Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Những giới hạn của chính sách tỷ giá

Những giới hạn của chính sách tỷ giá

Các nhà lãnh đạo tiền tệ không có nhiều khoảng trống hành động để thực hiện một tỷ giá đồng bạc thấp năng động và tích cực hơn vì lợi ích tăng trưởng kinh tế khi còn những giới hạn không thể bỏ qua.
Tỷ giá đồng bạc Việt Nam sau gần 18 tháng tương đối ổn định so với một đồng USD ba chìm bảy nổi trong cùng thời gian, bỗng trở nên dao động trước những cuộc tranh luận thú vị vào dịp đầu xuân Quý Tỵ giữa các chuyên gia kinh tế và các nhà lãnh đạo tiền tệ về việc nên hay không nên phá giá đồng bạc Việt Nam trong thời điểm hiện nay.
Đồng tiền Việt Nam đang được định giá cao?
Bênh vực cho quyền lợi ngoại thương Việt Nam và nhận xét rằng đồng bạc Việt Nam đang bị đánh giá cao khoảng 23% so với đồng USD, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên chủ động điều chỉnh tỷ giá thêm khoảng 4% trong năm nay để hỗ trợ xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới, đồng thời giúp hạn chế nhu cầu nhập khẩu, nhất là các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ.
Ngược lại, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng chưa cần điều chỉnh tỷ giá vì tình hình cung cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn rất ổn định, việc duy trì tỷ giá như hiện nay là một thành công lớn của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế thường xuyên nhập siêu triền miên và điều quan trọng nhất là ổn định được tâm lý kỳ vọng thị trường, đảm bảo quyền lợi cho những người nắm giữ VND, từ đó khơi thông dòng chảy ngoại tệ vốn bị găm giữ từ rất lâu.

Khi cuộc tranh luận chưa ngã ngũ, thị trường đã có những phản ứng ban đầu. Cho đến ngày 28-2-2013, trên thị trường tự do, tỷ giá USD tăng nhẹ ở mức 21.070 - 21.120 đồng Việt Nam. Chênh lệch giữa tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước công bố và tỷ giá trên thị trường tự do là 1,4%. Tuy nhiên, trái với những dự đoán, sự tăng giá USD trên thị trường tự do dường như đã hụt hơi, đồng USD không thể vượt ngưỡng 21.200 đồng của ngày 26-2-2013 và đang giảm dần.
Trong những ngày qua, giao dịch USD trên thị trường tự do trầm lắng, ít người bán, thưa thớt người mua, có thể do tác động của những biện pháp kiểm soát mang tính chất hành chính, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự tăng giá của USD hiện nay có vẻảo hơn là thực. Thị trường ngoại tệ ngoài hệ thống ngân hàng đang có những phản ứng thăm dò đối với những lời đồn đoán về một sự phá giá đồng bạc Việt Nam, và phản ứng này cho đến nay là khá chừng mực.


Sự chừng mực này có thể hiểu được. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng tại Việt Nam, từ bao nhiêu năm nay, chưa xảy ra bất cứ một trường hợp nào chủ động phá giá đồng bạc Việt Nam. Điều chỉnh tỷ giá theo chân thị trường thì có, nhưng chủ động phá giá sâu đồng bạc thì không.
Trong trường hợp chẳng đặng đừng, với một sự cân nhắc hết sức thận trọng và thường là chậm trễ so với yêu cầu thực tế cấp bách, Chính phủ chỉ cho phép Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá chính thức gần sát với tỷ giá trên thị trường tự do. Độ chênh lệch giữa hai tỷ giá hẹp hay rộng cho thấy tính chất của biện pháp điều chỉnh vào mỗi thời điểm là siết chặt, tăng cường kiểm soát hành chính nhiều hơn hay cởi mở, thị trường hóa nhiều hơn.
Điển hình gần đây nhất là vào cuối năm 2010, khi cơn sốt tỷ giá USD bùng phát cấp tính, Ngân hàng Nhà nước vẫn cố gắng kềm giữ tỷ giá chính thức đồng Việt Nam ở mức 18.932 VND/1 USD trong khi trên thị trường tự do tỷ giá thực tế của đồng USD đã ở mức 21.500 VND, một sự chênh lệch lên đến 13,5%. Lúc đó tình trạng khiếm hụt cán cân thương mại rất nghiêm trọng, khối dự trữ ngoại tệ quốc gia giảm sút và nguồn cung ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng trở nên hiếm hoi, tạo nên tình trạng "chợ đen" trong quan hệ mua bán ngoại tệ giữa ngân hàng và các doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu.
Dưới sức ép đó, ngày 11-2-2011, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải giảm tỷ giá chính thức xuống mức 20.693 VND/1 USD, một sự điều chỉnh giảm đến 9,3% tỷ giá đồng bạc Việt Nam. Như được giải thoát khỏi một gánh nặng ngàn cân, nguồn cung USD trở nên dồi dào hơn, giao dịch ngoại tệ giữa các ngân hàng và doanh nghiệp nhộn nhịp trở lại, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD trên thị trường tự do đã từ 21.500 VND/USD trở về mức khoảng 21.000 VND/USD và tăng dần. Cơn sốt USD nhanh chóng hạ nhiệt.
Từ đó cho đến nay, trong suốt hai năm ròng rã, tỷ giá đồng Việt Nam liên tục ổn định so với đồng USD, được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh một lần xuống 20.828 VND/1 USD, chỉ giảm 0,65%. Thị trường ngoại tệ tự do cũng có một sựổn định tương tự.
Ông Lê Xuân Nghĩa có lý do khi cho rằng đồng bạc Việt Nam nên giảm giá trong quan hệ so sánh với tốc độ lạm phát bình quân 12% của nền kinh tế nước ta trong năm năm trở lại đây. Tuy nhiên, cần thấy rằng khi neo tỷ giá đồng bạc vào một đồng ngoại tệ nào đó, chúng ta khó thể sử dụng chính sách tỷ giá để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Phải công bằng mà nói rằng, chính sách neo tỷ giá trong thời gian qua đã thành công phần nào khi mang đến một liều thuốc an thần về giá trị ổn định của đồng bạc Việt Nam đồng thời giải thích vì sao sau hai năm nền kinh tế gánh chịu mức lạm phát bình quân trên 10%, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD vẫn không thay đổi, tất nhiên nhờ một điều kiện thực tế là đồng USD giảm giá liên tục trên thị trường tiền tệ quốc tế.
Chính sách tỷ giá phải trên cơ sở một chiến lược phát triển kinh tế phù hợp
Vấn đề điều hành tỷ giá đồng bạc Việt Nam chưa bao giờ là dễ dàng. Các nhà lãnh đạo tiền tệ của chúng ta không có nhiều khoảng trống hành động để thực hiện một tỷ giá đồng bạc thấp năng động và tích cực hơn vì lợi ích tăng trưởng kinh tế khi còn những giới hạn không thể vượt qua.
Đầu tiên là giới hạn tâm lý, một cưỡng chế quen thuộc ở một nước nghèo như nước ta trên tiến trình phát triển, theo đó, mọi người đều muốn có một đồng tiền bản địa mạnh, không phải mạnh theo ý nghĩa thực chất mà mạnh theo hình thức, dựa trên con số biểu thị quan hệ tỷ giá giữa hai đồng tiền. Cưỡng chế tâm lý dẫn đến yêu cầu chính trị, yêu cầu này có thể trở thành mệnh lệnh cho Ngân hàng Trung ương. Trong đa số trường hợp vì yêu cầu này các nhà lãnh đạo kinh tế buộc phải bỏ qua những triển vọng phát triển kinh tế có thực.
Cưỡng chế thứ hai quan trọng hơn, đó là cưỡng chế từ chiến lược phát triển kinh tế. Bài học từ nhiều nước đang phát triển muốn tiến lên công nghiệp hóa cho thấy rằng, một nước chọn lựa chiến lược phát triển kinh tế dựa vào công nghiệp thay thế nhập khẩu và chú trọng vào thị trường nội địa thường có xu hướng giữ một đồng nội tệ mạnh. Có những lợi ích trước mắt biện minh cho nỗ lực này:
1. Một đồng nội tệ được đánh giá cao sẽ giúp cho các công ty, các tập đoàn kinh tế bản địa được giao sứ mệnh chính trị thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu có thể nhập khẩu máy móc thiết bị vật tư nguyên liệu... với giá rẻ hơn.
2. Trong tiến trình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, do thường xuyên thiếu ngoại tệ, các tập đoàn kinh tế bản địa thường phải vay nợ nước ngoài, trực tiếp hay với sự bảo lãnh của chính phủ. Khi nợ nước ngoài ngày càng tăng lên, áp lực phải duy trì một tỷ giá đồng nội tệ cao cũng ngày một mạnh hơn. Thí dụ, với một khoản nợ 10 tỉ USD, một mức giảm giá 1.000 đồng cho một USD sẽ làm phát sinh một khoản tiền bù chênh lệch lên đến 10 ngàn tỉ đồng, một con số không hề nhỏ, nhất là đối với những tập đoàn con nợ làm ăn không hiệu quả. Ngoài ra còn phải nói đến cưỡng chế liên quan đến tình trạng cán cân ngoại thương thường xuyên khiếm hụt. Một nước nhập khẩu ròng luôn có xu hướng duy trì tỷ giá đồng nội tệ cao và bị rơi vào bẫy tỷ giá cao: đồng nội tệ cao đưa đến tình trạng nhập siêu kinh niên, nhập siêu kinh niên đòi hỏi phải giữ tỷ giá đồng nội tệ cao. Đa số những nền kinh tế lâm vào tình trạng này, nếu không phải phá giá đồng nội tệ, là nhờ có những dòng ngoại tệ chuyển vào bù đắp khiếm hụt tạm thời trong cán cân thanh toán hằng năm: vốn đầu tư trực tiếp hay gián tiếp từ nước ngoài, vốn vay ODA, nguồn tiền kiều hối... Tuy nhiên, sự bù đắp tạm thời này chỉ là một chiến thuật hoãn binh, chuyển bài toán phải giải quyết từ hiện tại về tương lai mà thôi.
Mặt khác, còn có cưỡng chế phát sinh từ chính sách tiền tệ. Một nước theo đuổi lâu dài một chính sách tiền tệ thu hẹp nhằm làm giảm áp lực lạm phát gây ra bởi một chính sách tài khóa thường xuyên khiếm hụt thường buộc phải duy trì một mức lãi suất ngân hàng cao. Lãi suất nội tệ cao dẫn đến hệ quả là hỗ trợ cho một tỷ giá nội tệ cao.
Trong tình hình đó, khi chưa xảy ra trước mắt tình trạng mất cân đối cung cầu ngoại tệ lớn hoặc sụt giảm nghiêm trọng dự trữ ngoại tệ quốc gia do nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ khó thể có quyết tâm điều chỉnh giảm tỷ giá. Tuy nhiên, là một bộ phận của chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá không thể chỉ phản ứng thụ động trước tình thế mà phải mang tính chất dự báo, phòng ngừa nguy cơ với tầm nhìn lâu dài, do vậy không thể không lưu ý rằng những mất cân đối vĩ mô đang tồn tại hiện nay sẽ gây ra những hậu quá khó lường trong tương lai. Quan trọng hơn, cần thấy rằng chính sách tiền tệ và công cụ tỷ giá chỉ là hàm số của chiến lược phát triển kinh tế đã lựa chọn. Chúng ta chỉ có thể có một tỷ giá mềm dẻo, năng động khi nào có một chiến lược phát triển kinh tế phù hợp cho phép một sự điều chỉnh tỷ giá tích cực vì lợi ích lâu bền của nền kinh tế quốc dân.
Theo Huỳnh Bửu Sơn/ DNSG cuối tuần
http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/111867/nhung-gioi-han-cua-chinh-sach-ty-gia.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét