Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Những cái chết bí ẩn quanh 'kho báu người Tàu'

Những chuyện kho báu người Tàu thường hấp dẫn tôi vì hồi nhỏ tôi được một người bác kể lại rằng ở mặt tiền chùa làng mình ngày xưa có hàng chữ tàu sơn son thiếp vàng khá đẹp và cổ kính. Rồi một dạo có kẻ đến tìm hiểu những đặc điểm của chùa và nhất là hàng chữ tàu đó. Chợ họp quanh năm trước cửa chùa, từ 3-4h sáng đã có người và kéo dài đến tối mịt nên kẻ đó khó có thể tiếp cận trực tiếp với hàng chữ tàu treo trên cao. Tuy nhiên, rồi cũng đến ngày đột nhiên người dân phát hiện hàng chữ tàu treo trên mặt chính chùa đã biến mất. Lúc đó các cụ bô lão trong làng mới tá hỏa, họp lại, moi các hồi ức cũ ra kể, và đi đến kết luận người tàu trước khi rút chạy đã đúc vàng thành hàng chữ trên và treo lên đó để đến lúc thuận tiện thì con cháu họ sang tìm cách lấy về. Hàng chữ đó tồn tại đã gần một trăm năm, ngay trước mắt mọi người, nhưng chẳng ai nghĩ rằng nó chính là những khối vàng ròng.

Những cái chết bí ẩn quanh 'kho báu người Tàu'

Cách đây hơn 10 năm, sau khi một người Trung Quốc có hành tung bí ẩn xuất hiện, trong vùng liền xảy ra hàng loạt cái chết chưa có lời giải.

Đã một thập kỷ trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại, người dân nơi đây vẫn còn bị ám ảnh bởi những chuyện rợn người đã xảy ra ở đồi Cây thị tại khu 5, xã Động Lâm, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Trong vòng 3 tháng, rất nhiều chó, trâu… trong vùng lăn ra chết một cách kỳ lạ. Hơn thế nữa, quanh khu đồi Cây thị có 5 người chết tức tưởi với cùng một biểu hiện. Những câu chuyện “liêu trai” cứ được thêu dệt ngày càng nhiều khiến người dân không dám bước chân ra khỏi nhà vào lúc trời xẩm tối.
Vào một buổi trưa mùa hè năm 2002, một người lạ đi vào quán nước ven đường ở xã Động Lâm hỏi thăm người dân về một địa danh với đặc điểm rất kỳ lạ: “Chiếc ao tròn, cái giếng méo, cây thị vẹo, cây khế khòng kheo”. Ban đầu, người dân bảo không có nơi nào như thế, nhưng sau đó, mấy người già trong làng chỉ ông ta đến khu đồi Cây thị thuộc khu 5, xã Động Lâm.
Khoảng 3 tháng sau, vào lúc xế chiều, có một người Trung Quốc cầm một cái bồ đến hỏi thăm nhà ông Dũng và xin nghỉ trọ một hôm. Sớm hôm sau, khi ông Dũng tỉnh dậy thì không thấy người lạ kia đâu nữa liền chạy ra vườn thì thấy cả khoảng đất to nở tung lên một cách tự nhiên, không giống như lấy xẻng hay máy móc gì đào cả.
Ông Dũng chưa kịp định thần thì như bị ma xui quỷ khiến, ông đi ra giữa bãi đất và nhìn thấy mấy thỏi vàng. Bà con ở quanh vùng ai cũng thấy lạ khi ông Dũng tự nhiên cho gọi hết con cái làm ăn xa về, sắm sửa đồ đạc, mua trâu, bò... và trở nên giàu sang trông thấy.
Một trong hai cây thị cổ thụ ở đồi Cây thị.
Một trong hai cây thị cổ thụ ở đồi Cây thị.
Sau này, người ta mới đồn rằng, câu nói vần “chiếc ao tròn, cái giếng méo, cây thị vẹo, cây khế khòng kheo” là cái mốc để người đàn ông Trung Quốc xác định vị trí mà tổ tiên của ông ta đã chôn kho báu. Thời chiến tranh loạn lạc, của cải không mang theo được nên họ phải đem chôn.
Họ còn chôn sống một cô gái đồng trinh để làm “thần giữ của” kho báu này. Và việc để lại những thỏi vàng là cách người Trung Quốc gieo tai họa xuống đầu người nào có lòng tham, cầm và dùng những thỏi vàng đó như là vật thế thân cho họ. Câu chuyện mang màu sắc hoang đường không được xác thực đã tồn tại hàng chục năm nay.
Sau hôm đó, những bất hạnh bắt đầu xảy đến với gia đình ông Dũng và những người sống gần đó. Nạn nhân đầu tiên là anh Nguyễn Tiến Sĩ, con trai của ông Dũng. Anh Sĩ đang khỏe mạnh, sau buổi đi làm trên đồi chè về thì ngã lăn ra, co giật liên hồi, sùi bọt mép và tử vong. Mới đầu người ta nghĩ rằng anh Sĩ bị bệnh động kinh, nhưng rồi sau đó bà Lê Thị Lực và bà Nguyễn Thị Vĩnh (những người sống gần khu đồi Cây thị) cũng đột nhiên chết với biểu hiện tương tự. Hai người này vốn đang bình thường, khỏe mạnh, tự nhiên lăn đùng ra, co giật, sùi bọt mép và chết trên đường đi cấp cứu.
Người dân càng hoang mang tột độ khi ông Dũng, cũng với biểu hiện tương tự, chết trong ngày giỗ cụ thân sinh ra ông. Cái chết cuối cùng làm tăng thêm nỗi ám ảnh kinh hoàng về "thần giữ của, rắn tinh bắt người…" là của bà Vũ Thị Bỉnh (vợ ông Dũng) khi chưa tròn 49 ngày để tang chồng. Sau sự việc đó, nhiều người đã không chịu được áp lực, phải chuyển đi nơi khác.
Hết đổ vạ cho “thần giữ của” lại đổ vạ cho "rắn thần" ngụ trên cây thị, nhiều người dân sống gần đó đã hoang mang mà tin theo lời thầy cúng sắm sửa lễ lạt. Bà Nguyễn Thị Thêm, trước đây là trưởng khu 5, xã Động Lâm, cho biết câu chuyện kho báu chẳng rõ thật giả ra sao nhưng đúng là ở đây có những địa danh như trong câu nói “chiếc ao tròn, cái giếng méo, cây thị vẹo, cây khế khòng kheo”.
Ngày trước, trên đồi cây thị có một cái ao chẳng bao giờ cạn nước (bây giờ đã bị lấp để canh tác). Cái giếng méo không phải được xây như bây giờ mà nằm ở cạnh đường dưới chân đồi. Có hai cây thị cổ thụ, quả cây nào cũng méo, chẳng cây nào cho quả tròn cả. Cây khế thân khòng kheo cho quả nào cũng bị đẹn.
Chồng bà Thêm, ông Nguyễn Quang Huy (76 tuổi), cho biết thêm: “Thật ra chuyện về kho báu, người dân ở đây đã nghe từ rất lâu. Năm 1968, có 2 người Trung Quốc sang đây hỏi thăm nhà ông Hồng Đại (khi đó là chủ khu đất này). Họ đề cập luôn rằng sẽ lấy của cải và chia cho ông rồi hẹn ngày giờ đến đào và yêu cầu ông giữ bí mật.
Tuy nhiên, ông Hồng Đại báo với dân quân để chờ 2 người Trung Quốc quay lại. Đến ngày hẹn, chờ mãi mà chả thấy 2 người đó đâu. Ông Đại với mấy dân quân đào vị trí mà 2 người lạ đã chỉ (cạnh chiếc giếng cũ) thì thấy mấy mảnh ván gỗ. Thật ra những mảnh ván ấy là của cụ Lý Mải ngày trước bắc cầu cạnh giếng để rửa chân.
Khoảng một tháng sau, ông Hồng Đại lên đồi thì thấy mấy mảnh của cái tiểu sành và một số dấu vết đào bới quanh đó. Nhưng ông không quan tâm những chuyện nhảm nhí như vậy, ông vẫn sống cuộc sống bình thường ở đồi Cây thị. Sau này ông chết vì tuổi già, con cháu mới bán đất để đi nơi khác làm ăn. Sự thật có kho báu hay không thì chẳng ai biết, mà có thì người ta cũng mang đi từ hồi đó rồi. Chuyện gây hoang mang như vậy là từ miệng những ông, bà thầy cúng mà ra cả”.
Sợ bị tai họa, một số người dân đã phục hồi lại chiếc giếng méo.
Sợ bị tai họa, một số người dân đã phục hồi lại chiếc giếng méo.
Anh Nguyễn Văn Đàn (sinh năm 1966), con trai của ông Dũng kể, người ta đồn rằng, bố mẹ anh Đàn vì nhặt được vàng nên bị trừng phạt như vậy. Khi chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân cái chết kỳ lạ của 5 người dân gần đồi Cây thị, gia đình anh Đàn đã bị cả làng ghét bỏ. Họ phá ruộng, ném mảnh chai xuống ruộng của gia đình anh để phản đối.
Anh Đàn lý giải: “Hồi xảy ra sự việc, mèo trong làng bị bán hết, chuột bọ hoành hành. Lúc này, người dân nơi đây buôn bán rất nhiều loại thuốc trừ sâu, thuốc chuột ngoài tầm kiểm soát của địa phương. Thời gian ấy, chó chết một loạt, sau đó đến trâu ở một số khu trong làng cũng chết với triệu chứng sùi bọt mép. Mẹ tôi (bà Bỉnh) ngày đó có buôn bả ngửi, một loại bả rất độc hại. Rất có thể chất độc từ những loại bả, loại thuốc trên là nguyên nhân dẫn đến cái chết của người và động vật.
Sau này, những cán bộ y tế trên tỉnh về phun thuốc cả khu này thì không có chuyện gì xảy ra nữa. Có điều, khi xảy ra chuyện, vì quá hoang mang nên gia đình tôi có mời thầy cúng về để cầu cho gia đình được bình an. Phải chăng, vì hành động đó mà câu chuyện “thần giữ của” báo oán, "rắn thần" bắt súc vật, bắt người… cứ đày đọa làm khổ gia đình tôi suốt cả thập kỷ qua”.
Một lãnh đạo UBND xã Động Lâm cho biết: “Hồi đó, lãnh đạo xã đã vận động gia đình cho cán bộ y tế mổ khám nghiệm tử thi bà Bỉnh (nạn nhân cuối cùng) thì phát hiện trong dạ dày của nạn nhân có chất ethyl methylnitrosocarbamate và elsholtzia ketone, mẫu gan và mẫu máu đều có elsholtzia ketone. Đây là những hóa chất bảo vệ thực vật có độc tính cao và khả năng gây tử vong chỉ với liều rất nhỏ.
Kết luận của Bộ Y tế nhận định, 5 trường hợp tử vong là do ngộ độc cấp tính. Ủy ban xã cũng đã có thông báo về nguyên nhân của những cái chết để gia đình các nạn nhân và bà con trong xã yên tâm làm ăn, sinh sống”.
Ông Lương Ngọc Khuê, Phó vụ trưởng Vụ Điều trị (Bộ Y tế), cho biết để điều tra những cái chết bí ẩn, đoàn kiểm tra đã xem xét từng trường hợp tử vong. Họ nhận thấy, cả 5 nạn nhân đều có cùng biểu hiện: đang khỏe mạnh bình thường, sau bữa ăn 2-3h đột nhiên co giật, cứng người, chết ngay tại chỗ hoặc chết trên đường đi cấp cứu hoặc khi vừa được đưa đến trung tâm y tế huyện.
Các chuyên gia nhận định, những triệu chứng trên rất giống với các biểu hiện ngộ độc nặng, bệnh nhân thường bị suy hô hấp và tử vong do không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân gây độc có thể là thuốc bảo vệ thực vật hoặc hóa chất diệt chuột. Nhiều gia đình ở Động Lâm bán các mặt hàng này, trong đó có 2 người đã tử vong là bố con anh Sĩ.
Theo Nông Thôn Ngày Nay
http://ngoisao.net/tin-tuc/chuyen-la/2013/03/nhung-cai-chet-bi-an-quanh-kho-bau-nguoi-tau-233543/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét