Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Internet, công cụ chống tham nhũng tại Trung Quốc


Một số blogger Trung Quốc, tiêu biểu là ông Nhậm Kiến Vũ, 
bị công an bắt đi cải tạo lao động (DR)
Lê Phước
Internet là phương tiện hữu hiệu làm bùng nổ Mùa xuân Ả Rập hồi năm 2011. Tại Trung Quốc, xã hội dân sự cũng đang tận dụng phương tiện thông tin này để đấu tranh chống tham nhũng. Dù rằng đó là cách đấu tranh ít rủi ro, nhưng không phải vì thế mà các blogger Trung Quốc không lâm cảnh "tai bay họa gió". 
Nhật báo Le Monde số ra hôm nay dành phần phụ trang địa chính trị cho chủ đề này với dòng tựa : «Sức mạnh còn non yếu của các blogger Trung Quốc ». Tờ báo cho biết, tại Trung Quốc, do sự kiểm soát gắt gao của nhà cầm quyền, nên xã hội dân sự ngày càng có xu hướng tận dụng không gian ảo trên Internet để công khai các vụ tham nhũng.
Những người đấu tranh thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, nhưng có một mục tiêu chung là chống tham nhũng. Lực lượng này đôi khi tự tiến hành mạo hiểm điều tra y như những phóng viên báo chí chuyên nghiệp. Vì thế, mà Le Monde gọi những người này là « các công dân phóng viên ».
Tờ báo dẫn lại hai trường hợp như vậy. Người đầu tiên là một thanh niên 28 tuổi với pha đấu tranh ấn tượng là tận dụng kỹ thuật hiện đại phân tích những bức ảnh trên mạng của một quan chức cấp tỉnh và phát hiện ra rằng quan chức này trong 6 lần xuất hiện đã mang đến 6 loại đồng hồ khác nhau, mà điều đáng chú ý đó lại là những nhãn hiệu đồng đồ đắt tiền như Omega hay Rolex.

Người thứ hai là một người đàn ông 43 tuổi. Năm 2006, người này đã lập ra một trang mạng với sự tham gia của nhiều nhân vật có tầm cỡ trong xã hội dân sự, mục tiêu là : bảo vệ dân quyền và chống tham nhũng. Đây chính là người đã nhận và tung lên mạng bức ảnh hồi cuối năm 2012 về một quan chức tại Trùng Khánh đang lõa thể với một cô gái 18 tuổi dẫn đến việc người này bị cách chức.
« Đấu tranh » coi chừng « tránh đâu »
Đấu tranh trên mạng tại Trung Quốc không hẳn là an toàn. Le Monde dẫn lại lời của một trong hai người trên để làm minh chứng : «Tôi ở ngoài sáng còn họ trong bóng tối. Nếu qua cuộc điện thoại này mà họ xác định được vị trí tôi đang ở đâu, thì họ sẽ bắt tôi ».
Ý người này muốn nói rằng, do đi điều tra hiện trường một vụ tham nhũng và bị chính quyền địa phương phát hiện, nên hiện tại người này đang bị tìm kiếm gắt gao, vì thế nếu bị xác định ở đâu thì chắc chắn sẽ bị công an bắt giữ để diệt trừ hậu họa.
Tờ báo cũng dẫn lại lời một trong hai người trên chứng tỏ quyết tâm của những người đấu tranh : «Tôi có thể tưởng tượng được họ sẽ cho giết tôi như thế nào. Một tai nạn xe hơi hay cho ám sát gì đó…Thế nhưng tôi không sợ, cần phải đấu tranh chống tệ nạn này ».
Trung Quốc : « Quốc hội ăn cơm do đảng nấu »
Cũng tại Trung Quốc, trước thềm khai mạc phiên họp đầu tiên của quốc hội khóa mới, bắt đầu từ ngày mai 4.3.2013, Le Monde dành bài bàn về vai trò thật sự của cơ quan lập pháp này. Hiến pháp 1982 của Trung Quốc quy định, Quốc hội là cơ quan quan trọng nhất của đất nước. Trên thực tế, mấy chục năm nay, cơ quan đã thông qua nhiều bộ luật quan trọng như luật quyền sở hữu, luật lao động…
Thế nhưng, nhiều vấn đề trọng đại thì không phải cơ quan này quyết định cuối cùng, mà chỉ đơn giản là làm công tác thông qua cho đúng quy trình. Le Monde nhắc lại, như việc bầu chủ tịch nước và thủ tướng dự định trong phiên họp Quốc hội bắt đầu vào ngày mai, tất cả đã được đảng cầm quyền quyết định và quốc hội chỉ việc phải thông qua. Tờ báo tóm lược : «Quốc hội ăn cơm do đảng nấu ».
----------------
Tin vắn:
Công cuộc bảo vệ động vật hoang dã thế giới đã thất bại
Đó là nhận định của tờ Le Monde bàn về một hội nghị quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã đang diễn ra ở Bangkok, thủ đô Thái Lan. Tờ báo cho biết, từ ngày 03/03 đến 14/03, đại biểu 177 nước thành viên của Công ước về mua bán động thực vật quý hiếm (CITES) tề tựu để bàn về những biện pháp mới cứu lấy các loài động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. Công ước này ra đời năm 1973, được xem là một trong những công cụ đa phương mạnh nhất để bảo vệ sự đa dạng sinh học trên hành tinh xanh.
Tuy có lực lượng hùng hậu với 177 nước thành viên, nhưng kết quả thực thi CITES chưa được như mong muốn, nếu không muốn nói là thất bại như Le Monde khẳng định : «Có một điều chắc chắn, đó là công cuộc đấu tranh chống buôn bán bất hợp pháp động thực vật quý hiếm đã thất bại »
Tờ báo dẫn ra một số minh chứng cho sự thất bại đó và tập trung vào hai loại động vật hoãng dã là voi và tê giác. Tờ báo cho biết, trong năm 2011, tại Châu Phi đã có đến 25 000 con voi bị giết để lấy ngà, con số năm 2012 còn cao hơn nhiều. Số voi hiện còn lại ở Châu lục này khoảng 500 000 con. Thị trường chính của phiên « chợ đen » này chính là Trung Quốc, nước tiêu thụ đến 70% sản phẩm.
Tình hình đối với tê giác còn tệ hại hơn. Chỉ tính trong vùng Nam Phi hồi năm 2012, đã có đến 668 con tê giác bị giết lấy sừng, tức tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường chính của loại sản phẩm này, theo tờ báo là các nước Châu Á, nhất là Việt Nam. Điều đáng báo động đó là trên toàn lục địa Châu Phi hiện tại chỉ còn khoảng 25 000 con tê giác sống sót.
Hồi giáo cực đoan đe dọa du lịch Ai Cập ? 
Năm 2011, Mùa xuân Ả Rập đã đi qua đất nước Ai Cập. Thế nhưng, từ đó đến nay, mùa xuân này đã không mang đến luồng gió mới như mong đợi, mà thay vào đó là bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế. Nhật báo Le Figaro nhìn về một trong những khía cạnh của chủ đề này qua bài viết cảnh báo : «Louxor thiếu khách tham quan ».
Louxor là một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Ai Cập. Thế nhưng, từ khi cuộc cách mạng Ai Cập nổ ra hồi năm 2011 đến nay, du lịch ở xứ sở các vua Pharaon bắt đầu lâm cảnh chợ chiều. Một hướng dẫn viên tại Louxor cho biết : «Người Tây phương rất nhạy cảm với những hình ảnh bất ổn chính trị tại Ai Cập được phát trên truyền hình. Khi mà quản trường Tahrir nóng lên, thì những du khách tiềm năng cũng bị mất hứng du lịch ».
Mức tiêu điều của ngành du lịch ở đây được thể hiện rõ nhất qua việc : chỉ trong vòng hai năm qua, thu nhập của hướng dẫn viên du lịch nói trên đã giảm đến 75%. Trong bối cảnh đó, thêm vào các bất ổn chính trị, ngành du lịch Louxor còn tiêu điều hơn khi mà cách đây mấy ngày đã xảy ra một sự cố du lịch ở đây : Một chiếc khinh khí cầu du lịch bị nổ gây thiệt mạng 19 du khách.
Đây không phải lần đầu tiên Louxor bị bất ổn đe dọa du lịch. Năm 1997, tại một ngôi đền ở Louxor, 62 du khách phương Tây đã bị thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố.
Bên cạnh nguyên nhân bất ổn chính trị, Le Figaro còn cung cấp một thông tin đáng chú ý, đó là : Sự lớn mạnh của phe Hồi Giáo cực đoan gây phương hại đến ngành du lịch. Tờ báo dẫn lời của hướng dẫn viên du lịch nói trên cho biết, những người Hồi Giáo cực đoan nổi lên ở khu vực lân cận Louxor có thể đuổi khách du lịch vì những giáo điều khắc khe về nghiêm cấm phụ nữ tiếp xúc với công chúng và cấm rượu.
Báo động thất nghiệp tại Châu Âu
Nhìn sang Châu Âu, Le Monde chú ý đến tình trạng thất nghiệp leo thang khiến giới cầm quyền đang bất lực còn người dân thì vô cùng phẫn nộ. Theo số liệu công bố cuối tuần rồi của Ủy ban Châu âu, hiện tại có đến 26,2 triệu người thất nghiệp ở 27 nước Châu Âu, trong đó 19 triệu thuộc về 17 nước sử dụng đồng euro. Với số liệu này, thì thất nghiệp chiếm 10,8% dân số ở độ tuổi lao động trên toàn cõi Châu Âu và 11,9% trong khu vực đồng euro.
Một điểm đáng quan ngại khác, đó là theo tính toán, sau khi khủng hoảng đã qua đi, hiện tượng thất nghiệp vẫn chưa thể chấm dứt ngay, cái mà các chuyên gia gọi là « thất nghiệp cấu trúc ». Dự báo, sau khi khủng hoảng qua đi, thất nghiệp cấu trúc tại Ý và Tây Ban Nha lần lượt sẽ là 11,4% và 16,8%.
Cũng liên quan đến Châu Âu, nhật báo Công Giáo La Croix và nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến sự dâng cao của làn sóng chống thắt lưng buộc bụng ở các nước thuộc châu lục này.
La Croix dành trang nhất chạy tựa : « Tại Châu Âu, một làn gió phản đối mới », Les Echos thì đăng bài : « Các Bộ trưởng Tài chính chạm trán trong cuộc thảo luận về chính sách khắc khổ ». Cả hai tờ báo đều cho biết, Châu Âu vẫn đang lẩn quẩn trong vòng xoáy « nợ công và chính sách thắt lưng buộc bụng », các chính sách cắt giảm chi tiêu công ở các nước đang làm dấy lên nhiều phong trào phản đối, nhất là ở Ý, Bồ Đào Nha và Vương quốc Anh ».
Maroc : Một thiên đường giá rẻ ?
Không chỉ có Trung Quốc hay các nước Châu Á khác thu hút đầu tư nước ngoài nhờ vào thị trường nhân công giá rẻ, mà các nước Bắc Phi cũng cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực này.
Nhật báo kinh tế Les Echos dẫn minh chứng bằng trường hợp của Maroc với bài viết : «Tại Maroc, các nhà công nghiệp được tiếp đón như những ông hoàng ». Theo tờ báo, năm rồi, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong ngành công nghiệp tại Maroc đã tăng 27%.
Nói về chính sách tiền lương, tờ báo cho hay, Maroc có những điều kiện tiền lương của một đất nước thuộc hàng « low cost » (Giá rẻ). Đánh giá về yếu tố con người, một chuyên gia Pháp nhận định : «Người Maroc năng động và thật sự khát khao học hỏi ».
Ấn Độ và Braxin cố thoát khủng hoảng
Đến với nhóm các nước đứng đầu trong nhóm tân hưng, Les Echos có bài bàn về tình hình kinh tế của Ấn Độ và Braxin. Liên quan đến Ấn Độ, tờ báo cho biết, chính phủ nước này đang trình làng dự thảo ngân sách năm tài khóa 2013-2014. Trong khi năm tới tại nước này sẽ diễn ra bầu cử quan trọng, chính phủ hiện tại phải làm sao vừa giữ được tăng trưởng lại vừa tránh những khoản cắt giảm gây mất lòng dân.
Cách đây mấy hôm, Bộ trưởng Kinh tế Ấn Độ đã công bố một kế hoạch mà Le Monde cho là « đầy tham vọng » cho năm nay : Tăng thu ngân sách thêm 16%, giảm thâm hụt ngân sách xuống mức 4,8% trong khi mức hiện tại là 5,2%. Mà để đạt được điều đó, tăng trưởng năm nay của Ấn Độ phải vượt 6,1%, một điều thật hoàn toàn không dễ.
Đến với Braxin, Le Monde cho biết, năm 2012, tăng trưởng của nước này chỉ có 0,9%, tức thấp nhất trong vòng ba năm nay. Một chuyên gia nhận định, nguyên nhân là do trong vòng hai năm nay, khả năng cạnh tranh của Braxin bị sụt giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khủng hoảng.
Tuy nhiên, nước này dự định sẽ trở thành nền kinh tế thứ năm thế giới vào năm 2015 với tăng trưởng ước tính sẽ từ 3% đến 4,5%. Dự tính đó có nhiều triển vọng diễn ra vào lúc mà tăng trưởng tại nước này đang phục hồi tốt. Các chuyên gia ước tính tăng trưởng 2013 của Braxin sẽ đạt 3%.
Mali : Vì sao Pháp cứ phải đơn thương độc mã ?
Tiếp tục tin tức về cuộc chiến tại Mali, nhật báo cánh tả Libération dành trang nhất chạy tựa : « Mali, cuộc chiến ở thời điểm bước ngoặt ». Tờ báo cho biết, chiến sự đã và đang diễn ra ác liệt tại khu vực cực bắc Mali. Đã có nhiều chục người chết, trong đó có hai lãnh đạo của chi nhánh Al Qaida tại Bắc Phi là tổ chức AQMI. Trong bối cảnh đó, các con tin người Pháp vẫn trong vòng nguy hiểm.
Trong bài xã luận bàn về Mali với dòng tựa : « Những sự im lặng », Libération cho rằng, những sự im lặng của quân đội và chính phủ Pháp không thể che giấu được thực tế là Pháp thật sự đang tiến hành chiến tranh tại Mali, một cuộc chiến đã gây nhiều chết chóc : hai lãnh đạo AQMI, ba lính Pháp và nhiều binh sĩ Hồi Giáo cực đoan.
Tờ báo thừa nhận, cuộc chiến của Pháp là danh chánh ngôn thuận, được quốc tế ủng hộ, với mục tiêu là giải phóng bắc Mali khỏi ách đô hộ của phe Hồi Giáo cực đoan. Thế nhưng, đã gần hai tháng kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, hiện tại tổng thống Pháp François Hollande cần phải nói rõ mọi thứ cho người Pháp biết, bởi tính mệnh của các con tin người Pháp và những người Pháp trong khu vực đang bị đe dọa.
Tờ báo nêu ra một số điểm mà chính phủ Pháp cần nói rõ : Ngoài nhiệm vụ chống khủng bố, quân đội Pháp còn có nhiệm vụ gì khác tại Mali hay không ? Lực lượng Châu Phi dự trù sẽ thay quân đội Pháp hiện đã chuẩn bị đến đâu? Các đối tác Châu Âu mà Pháp cần hổ trợ của họ tại Mali hiện thái độ chính thức ra sao ?
Trong bối cảnh đó, tờ báo cho biết, quân đội Mali hiện vẫn chưa được đào tạo đâu vào đâu cả. Họ còn bị cáo buộc tiếp tay ngược đãi tù binh. Theo Libération, đó là một quân đội thể hiện hình ảnh của Mali hiện tại : không nhà nước, không chính phủ danh chánh ngôn thuận. Ấy thế mà, tờ báo chua chát : Pháp lại đang chia sẻ số phận với quân đội và đất nước ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét