Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2013

Hệ thống Aquaponics ở Việt Nam và Thái Lan

Hệ thống Aquaponics ở Việt Nam và Thái Lan
Aquaponics (tiếng Pháp: Aquaponie) là một hệ thống trồng cây - nuôi cá tích hợp đồng thời cả hai hệ thống: nuôi trồng thủy sản và thủy canh. Sự tích hợp này mang lại lợi ích thiết thực và tính độc đáo của Aquaponics. Thay vì bổ sung phân bón và các hóa chất để trồng cây, Aquaponics sử dụng chất thải từ cá nhờ sự chuyển hóa từ các loài vi sinh vật thành chất dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của cây. Ngược lại, thay vì phải xử lý rồi xả nước từ nuôi cá ra môi trường, Aquaponics sử dụng cây trồng để làm sạch nước và trả lại cho bể cá. Nước này có thể được tái sử dụng vô thời hạn và chỉ cần thay thế khi nó bị mất do bay hơi. Đây là một hệ thống tuần hoàn khép kín hoàn hảo.
Mục đích của hệ thống Aquaponics là tận dụng lợi ích của nhau và tiết kiệm chi phí vận hành cũng như công sức quản lý hệ thống. Ví dụ, nếu chỉ nuôi cá không thì phải xử lý thức ăn dư thừa và chất thải của cá, hoặc trồng cây không thì phải bón phân cho cây. Khi tích hợp 2 hệ thống này thành một hệ thống chung thì những việc đó không cần thiết nữa. Chất thải từ nuôi cá sẽ được vi khuẩn chuyển hoá thành dạng "phân bón" cho cây sử dụng, đồng thời cá sẽ nhận được nước sạch từ bể trồng cây. Sự kết hợp hoàn hảo!
Tháng 5 năm ngoái, tôi đã viết bài "Tham quan hệ thống Aquaponics tuyệt vời của anh Trung" (xem ở đây) được nhiều bạn đọc quan tâm. Sau đó anh Trung (Nguyễn Thành Trung) đã đem hệ thống này về phổ biến tại Việt Nam, tự tay làm 4 hệ thống khá quy mô giúp một số họ hàng, bạn bè. Mặc dù lúc đầu ai cũng phấn khởi với mô hình phát triển sinh thái ấn tượng này, nhưng rồi theo thời gian, khó cạnh tranh lại với tình trạng trồng cây, nuôi cá tàn phá môi trường đang diễn ra khắp nơi, nên những cơ sở aquaponics do anh Trung gây dựng trong nước đã không phát triển được.

Mặt khác, nhiều người vẫn cho rằng nếu muốn làm thủy sản, thủy canh nghiêm túc ở một nước đầy ánh nắng, lượng nước và nhiệt còn khá dồi dào, đất đai ít nhưng còn khá phì nhiêu, nguồn lao động không khan hiếm... như ở Việt Nam hiện nay thì cũng không khó, nhất là chúng ta được thừa hưởng kỹ năng làm nông, thủy sản đúc kết hàng trăm năm nay của tổ tiên. Do đó, vấn đề áp dụng aquaponics ở nước ta hiện nay chưa khẩn cấp.

Một số khó khăn khác khi mở rộng hệ thống aquaponics ở nước ta là nguồn vật tư duy trì hoạt động của hệ thống chưa được đảm bảo, khó kiếm. Đầu tư cho  bộ Kit Aquaponics, thùng, bể nuôi cá, giá đỡ hệ thống rau, các loại phụ kiện (bơm, sục, sỏi nhẹ,...) cũng khá lớn. Ngoài ra còn phải kể đến hệ thống này nếu làm kinh doanh thì cũng cần một khoảng không gian khá rộng.

Theo thông tin trên mạng, hiện nay đã có nhiều cá nhân thử xây dựng hệ thống aquaponics cho riêng mình để đảm bảo có nguồn thức ăn sạch phục vụ gia đình; còn làm để kinh doanh thì hầu như chưa thấy (http://www.aquanetviet.org/ ; http://rausachthuycanh.blogspot.ch/search/label/Aquaponic ; ).



Tuy nhiên, Aquaponics được đánh giá là một hệ thống canh tác mới, đầy tiềm năng trên thế giới và nhất là ở những nước như Việt Nam. Nghiên cứu và phát triển Aquaponics đã tiến bộ hơn trong ba thập kỷ qua, với hàng chục ngàn hệ thống được lắp đặt ở quy mô hộ gia đình tại Mỹ, Úc và hàng chục nước khác.

Ví dụ ngay tại một nước nghèo, nhiều núi cao, thiếu đất và nguồn nước như Nepal, Câu lạc bộ Rotary Patan, Nepal, và Câu lạc bộ Rotary của Brussels, Bỉ, với sự tài trợ từ Rotary International và hỗ trợ kỹ thuật từ các doanh nghiệp xã hội, Aquaponics Vương quốc Anh, đã hỗ trợ xây dựng các hệ thống aquaponics cho các bà mẹ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Aquaponics là công nghệ này là phù hợp với các nơi có đất trồng khan hiếm và thiếu các nguồn nước. Đây chính là trường hợp của Việt Nam, nơi mà nguồn nước đang dần trở nên khan hiếm, bị tích trữ ở các hồ với mục tiêu làm thủy điện là chính. Sử dụng hệ thống aquaponics có thể khắc phục được những khó khăn về nguồn nước đang diễn ra tại rất nhiều địa phương, nhất là tại vùng trung du và miền núi. 

Có thể thấy ở vùng cao, vận hành các hệ thống aquaponics rất tiết kiệm (không sử dụng phân bón), thuận lợi nhờ dòng chảy từ nguồn nước mưa, nước suối, từ nguồn sỏi đá có sẵn và sử dụng năng lượng điện hoặc năng lượng thiên nhiên (gió, mặt trời...) sẽ mở ra một cơ hội mới cho không những cho sản xuất rau quả mà còn cho cả nghề cá của các địa phương nghèo nơi đây.

Mặt khác, Việt Nam là một nước có dân số đông, mật độ nhân khẩu cao hàng đầu thế giới. Tình trạng thiếu đất cho sản xuất nông nghiệp đã ở mức báo động đỏ từ hàng chục năm nay. Công nghệ aquaponics sẽ là hứa hẹn cho tất cả bà con nông dân, để trước mắt cung cấp thực phẩm với protein, khoáng chất và vitamin cho gia đình của họ, tiến tới phục vụ toàn xã hội.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến tình trạng thiếu thốn lương thực thực phẩm (rau và thịt) tới thê thảm của trẻ em miền núi (xem các bài viết về Chương trình "Cơm có Thịt" của Trần Đăng Tuấn hay "Áo ấm biên cương" của Mai Thanh Hải...), của chiến sĩ biên cương, hải đảo (xem các bài về cuộc sống của chiến sĩ ở Biên giới phía Bắc hay Hoàng Sa, Trường Sa...). Nếu đem được những hệ thống aquaponics này tới đó thì chắc chắn sẽ giảm nhẹ rất đáng kể tình trạng thê thảm này.

Trong khi ở Việt Nam như vậy thì ở Thái Lan, một nước nằm ngay gần ta, có điều kiện tự nhiên, nền sản xuất nông nghiệp, nguồn nhân lực thuận lợi hơn và ở phát triển hơn ta rất nhiều, tình hình như thế nào ? 

Để trả lời cho câu hỏi này của tôi anh Nguyễn Thành Trung đã gửi cho tôi một số băng video mô tả hoạt động của hệ thống aquaponics tại thị trấn Koh Tao.

Trân trọng cám ơn anh Trung và kính mời các bạn đọc trước tiên xem các video dưới đây rồi tự rút ra kết luận về những thế mạnh của nó đối với các nước nghèo như nước ta. Hôm này rảnh rỗi, tôi sẽ viết thêm về sự phát triển của hệ thống này ở Thái Lan.


A Green Revolution on Koh Tao with Aquaponics













2 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay! nhưng chủ Blog này còn hay hơn nhiều. Nếu được làm quen với chủ Blog thì thật tuyệt vời.

    Trả lờiXóa
  2. hay quá! lâu mới thấy có một blog hay như vầy.

    Trả lờiXóa