Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

College vs University; Cao đẳng hay Đại học

Blog / Like-Go-America
Cá Vàng
Hôm trước Cá đọc được một bài báo viết về một cô gái gốc Việt thành công trên YouTube nhờ vào những đoạn video make-up tutorial. Cả bài báo thì Cá không có ý kiến gì, ngoại trừ đúng một chỗ, tuy rằng không mấy quan trọng so với nội dung chính của bài viết, nhưng mà vẫn khiến Cá đọc xong bài báo đến cả tuần rồi mà vẫn thấy bứt rứt, khó chịu. Các bạn có đoán được tại sao Cá thấy bứt rứt như vậy không?
Nói ra chắc nhiều bạn thấy Cá chắc bị khó tính quá. Nhưng mà thực ra, không nói thì nhiều bạn quan tâm tới việc du học Mỹ lại có khi không biết. Nói ngắn gọn lại là ở Mỹ, college không có nghĩa là trường Cao đẳng. Học một trường có cái tên college không có nghĩa là chất lượng kém hơn những trường có tên là university và degree của bạn có được cũng sẽ không hề kém hơn những degree khác của các trường university một tí tẹo nào. Nhiều trường tuy là college, nhưng chất lượng thậm chí còn tốt hơn và nổi tiếng hơn các trường university rất nhiều. Dĩ nhiên đó là khái niệm chung, nhưng cũng còn tùy thuộc vào trường bạn chọn là trường nào nữa.
Tuy nhiên, điều mà Cá muốn nhấn mạnh ở đây đó là, khi chọn trường để du học, nếu xác định có thể học các trường hệ bốn năm, thì các bạn đừng nhìn vào tên college hay university mà vội kết luận college kém hơn university. Thay vào đó, các bạn nên tự lập ra những chỉ tiêu chọn trường của riêng mình, ví dụ như ngành học mà trường đó dạy, học phí bao nhiêu, học bổng dành cho sinh viên quốc tế là bao nhiêu, nếu không có học bổng nhiều thì ít ra cũng phải có các gói hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế v..v..

Trường Harper College ở Illinois​Nhưng khoan nói đến chuyện chọn trường, quay lại chuyện college và university, chủ đề chính trong ngày hôm nay nha các bạn. Vì nhân tiện nói về college và university, Cá cũng xin được chia sẻ một chút. Cá có một người bạn, khi mới vào trường thì trường bạn Cá là college, nhưng đang học giữa chừng thì đổi thành university. Nếu college là Cao đẳng và university là Đại học, thế thì bạn Cá trúng mẻ lớn rồi. Được học liên thông, nâng cấp từ cao đẳng lên đại học mà chẳng phải tốn tí hơi sức nào. Thi vào là thi trường Cao đẳng, đến lúc tốt nghiệp lại lấy bằng Đại học, lợi thật các bạn nhỉ.

Nói chơi cho vui vậy thôi, chứ Cá đoán là chắc cũng không ít bạn quan tâm tới du học Mỹ hiện giờ cũng đã có thể biết được cái tên college và university là cũng như nhau phải không. Tuy nhiên, không phải tự dưng mà người ta có hai cái tên cho cùng một thứ. Nói đơn giản một chút thì college và university là hai hệ thống trường khác nhau. Chất lượng không được thể hiện bằng cái tên, mà là bằng nhiều yếu tố bên trong.

Không biết ở các bang khác thế nào, nhưng ở bang của Cá và trường của Cá lúc trước, mọi người ở đó có giải thích cho Cá sự khác biệt cơ bản giữa college và university thực ra không phải là ở cái chất lượng cao thấp, mà chỉ là chương trình học. Xin nói về các trường college trước.

Ở các trường college, đa phần là các chuyên ngành ít hơn và thông thường là không có chương trình cao học, hay là graduate level. Quy mô về số lượng sinh viên (student body), các khoa học (department), sĩ số trong lớp (class size), hay tỉ lệ giáo sư với sinh viên (class ratio) của các trường college cũng thường bé hơn các trường university. Ví dụ ở các trường liberal arts college thì class size chỉ có thể ở mức 10-30 sinh viên một lớp, trong khi một lớp học cũng dạy cùng môn đó ở các trường university thì có thể lên tới 200-300 sinh viên trong cùng một lớp. Các trường college, nhất là các trường liberal arts college hay trường tư (private college) thì tổng số sinh viên vào khoảng 2000, 3000 là chuyện thường; trong khi ở các trường university, đặc biệt là các trường công của bang (state universty) thì con số vừa nói phải thêm một số 0 ở đằng sau. Cũng chính vì con số đông như vậy, cho nên trong khi sinh viên ở các trường college nhỏ quen biết nhau nhiều hơn, còn ở các trường có 20.000-30.000 sinh viên thì chuyện đi qua nhau mà không nhớ mặt nhau là chuyện không mấy ngạc nhiên.

Với những khu giảng đường (lecture halls) như thế này thì số lượng sinh viên cũng khá đôngNhiều du học sinh hiện nay chọn học trường tư, hay liberal arts college vì sĩ số nhỏ, đồng nghĩa với việc giáo sư có thể quan tâm tới từng học sinh hơn so với trường công. Điều này không sai, nhưng ở các trường công, bạn cũng có thể nhận được sự quan tâm từ các giáo sư nếu bạn chủ động tới gặp họ thường xuyên. Nhất là khi thời gian trên lớp có hạn và họ không có đủ thời gian để giải thích vấn đề riêng của từng người, thì cách tốt nhất là bạn nên đến gặp họ ở văn phòng làm việc của họ theo office hour của họ. Các giáo sư ai cũng có office hour, tức là thời gian mà họ bắt buộc phải ở trong văn phòng. Tùy theo cấp bậc của từng người và tùy vào việc họ là giáo viên full time hay part time mà số giờ họ ở trong văn phòng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, kể cả nếu giờ ở văn phòng của họ không thuận tiện cho lịch học của bạn, thì bạn vẫn có thể gửi email hỏi họ hoặc sắp xếp hẹn với họ vào một lúc nào khác. Đa số các giáo sư ở Mỹ kiểm tra email thường xuyên và họ rất sẵn lòng giúp sinh viên.

College có nhiều điểm ưu trội như vậy, nhưng không có nghĩa sẽ thích hợp cho tất cả sinh viên. Lý do thường nằm ở hai điểm: tài chính và ngành học. Và bây giờ Cá xin chuyển sang nói một chút về university.

Về tài chính, đối với sinh viên bản địa, họ thường chọn học các trường state university vì học phí thấp hơn các trường tư. Đối với những ai mà là cư dân ở bang đó luôn (in state student) thì học phí còn thấp hơn nhiều, có thể chỉ bằng một nửa số học phí mà những học sinh ở bang khác đến (out-of-state student) hoặc sinh viên quốc tế phải đóng. Đối với sinh viên quốc tế, cho dù học phí gấp đôi học phí của in state students, nhưng so với học phí mà bạn phải trả ở trường tư thì lại vẫn thấp hơn.

Còn về ngành học, các trường university nói chung, không chỉ có state university, số lượng ngành học đa dạng hơn. Nhất là đối với những bạn nào dự định học lên cao, và thiên về nghiên cứu, university có vẻ là một sự lựa chọn phù hợp hơn, vì các trường university có graduate program và rất nhiều trường đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu. Những trường này cũng mời rất nhiều các giáo sư giỏi chuyên nghiên cứu về chỉ để nghiên cứu và không nhất thiết phải lên lớp dạy. Nhiều sinh viên quốc tế nếu muốn làm thêm thì có thể xin làm trợ lý cho các giáo sư trong năm và thậm chí cả trong hè.

Ngoài hai yếu tố này thì ở nhiều trường cực kì lớn, college lại chỉ là một phần trong cả một university. Ví dụ, một university có college/school of engineering, college/school of communication, college/school of business etc. Như vậy, ở những trường này, chúng ta có cả university và có cả college. Cho nên nếu dịch college là cao đẳng và university là đại học, thì chẳng lẽ bạn nói với mọi người bạn đang học cao đẳng kinh doanh ở một trường đại học? Nói như vậy chắc sẽ làm nhiều người đau đầu phải không bạn.

Wow, sau một hồi vận dụng tối đa trí nhớ và kiến thức phân biệt hai hệ thống trường này, đến lượt Cá cảm thấy tẩu hỏa nhập ma rồi các bạn ạ. Xin phép các bạn cho Cá dừng ở đây, nếu không càng nói thì các bạn sẽ bị rối tung theo Cá đấy. Xin chào các bạn! Nếu có chỗ nào Cá nói mà bạn không hiểu hay không rõ thì cứ email về voatiengvietblog@gmail.com cho Cá, Cá sẵn sàng giải thích kĩ hơn cho bạn.

http://www.voatiengviet.com/content/college-vs-university-cao-dang-hay-dai-hoc/1621813.html?utm_source=twitterfeed&utm_medium=twitter

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét