Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

'Châu Phi tỉnh giấc'

'Châu Phi tỉnh giấc'

Tại sao những đồn thổi về mức tăng trưởng bùng nổ của châu Phi lại cường điệu quá mức?
Tỷ lệ tăng trưởng và đầu tư nước ngoài tăng cao trong thời gian gần đây ở châu Phi đã làm dấy lên ý kiến rằng lục địa này có thể đang tiến bước suôn sẻ trên con đường trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu kế tiếp.
Viễn cảnh "Châu Phi đang trỗi dậy" được minh họa sống động nhất trong các câu chuyện của Tạp chí Time và The Economist. Tuy nhiên, cả hai tờ báo này đều sai lầm trong phân tích của họ về các viễn cảnh phát triển của châu Phi - và những lý do khiến họ sai đã chứng tỏ rõ ràng cách thức khó hiểu mà sự phát triển kinh tế quốc gia cần phải được mổ sẻ trong thời đại toàn cầu hóa.
Những bài viết trên cả hai báo này dùng những chỉ dấu vô bổ để đánh giá sự phát triển của châu Phi. Họ chỉ nhìn vào các mức tăng trưởng GDP cao gần đây của châu Phi, sự gia tăng về thu nhập tính trên đầu người cũng như mức tăng trưởng bùng nổ về điện thoại di động và dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động như bằng chứng chứng tỏ rằng châu Phi "đang phát triển".
Tạp chí TIME nhắc đến tăng trưởng trong các lĩnh vực như du lịch, bán lẻ và ngân hàng, và nêu tên các nước có thêm những phát hiện mới về dầu mỏ và khí đốt. Báo The Economist chỉ ra danh sách ngày càng nhiều các tỷ phú châu Phi và sự gia tăng về thương mại của châu lục này với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, những chỉ dấu đó chỉ khắc họa được một phần bức tranh phát triển đang diễn ra như thế nào, ít nhất là theo cách thuật ngữ này được hiểu trong vài thế kỷ qua. Từ nước Anh cuối thế kỷ 15 tới những con hổ Đông Á mới nổi gần đây, sự phát triển nhìn chung đều được hiểu như một sự đồng nghĩa với "công nghiệp hóa". Các nước giàu có đã thấy từ rất lâu rằng nếu các nền kinh tế không di chuyển ra khỏi các hoạt động bế tắc chỉ đem lại những lợi ích teo dần theo thời gian (chủ yếu là nông nghiệp và các hoạt động khai thác như khai mỏ, đốn gỗ và đánh bắt cá) và hướng vào các hoạt động đem lại những thành quả ngày càng tăng theo thời gian (sản xuất chế tạo và dịch vụ), thì không thể thực sự nói rằng họ đang phát triển.
Những gì đáng chú ý ở hai bài báo kể trên là họ không đề cập đến ngành sản xuất chế tạo ở châu Phi. Và điều đó khẳng định một lần nữa ý kiến phát triển chính là công nghiệp hóa đã hoàn toàn bị phớt lờ trong vài thập kỷ qua. Các nền kinh tế thị trường tự do đã khuyên các nền kinh tế nghèo khó gắn với nông nghiệp chủ đạo cùng các ngành khai khoáng và "hội nhập" vào kinh tế toàn cầu như họ.
Ngày nay, đối với rất nhiều nước đứng đầu về thị trường tự do, sự hiện diện ít ỏi của tăng trưởng GDP và một sự gia tăng về khối lượng thương mại là những uyển ngữ cho sự phát triển kinh tế thành công. Tuy nhiên, thương mại và tăng trưởng gia tăng không phải là phát triển. Chẳng hạn, ngay cả môt nước châu Phi như Malawi đạt được tỷ lệ tăng trưởng GDP cao hơn và khối lượng thương mại cao hơn, điều này không có nghĩa là sản xuất chế tạo và dịch vụ như một phần của GDP gia tăng theo thời gian. Malawi có thể thu xuất khẩu cao hơn về chè, thuốc lá và cà phê trên các thị trường thế giới và xuất khẩu gia tăng, nhưng nước này chủ yếu vẫn là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với rất ít dịch chuyển hướng tới gia tăng sản xuất chế tạo hoặc tạo công ăn việc làm khối lượng lớn, điều vốn rất cần để châu Phi "trỗi dậy".
Việc không đề cập đến công nghiệp hóa, vì thế, đã làm cho hầu hết các so sánh về tăng trưởng ở châu Phi và Đông Á không xác thực.
Chẳng hạn, bài viết trên TIME - gợi ý rằng "trong vài thập niên tới đây, hàng trăm triệu người châu Phi rất có thể sẽ được đưa ra khỏi ngưỡng đói nghèo, cũng như hàng trăm triệu người châu Á đã như vậy trong vài thập niên qua" - cho rằng sự phân chia, như đã mở ra giữa người giàu và người nghèo ở Trung Quốc và Ấn Độ như một cảnh báo rằng tình trạng bất bình đẳng, cũng có thể trở thành một vấn đề khi châu Phi tiếp tục phát triển.
Bài viết trên The Economist trích dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới - với các tuyên bố rằng "châu Phi có thể đang tiến đến rìa một cú cất cánh kinh tế, rất giống Trung Quốc cách đây 30 năm" - nêu ra rằng trong cả hai trường hợp, một lượng đông đảo dân số lao động trẻ đã sẵn sàng thúc đẩy tăng trưởng. Bài viết cũng đề cập tầm quan trọng của giáo dục: "Nếu không có giáo dục tốt hơn, châu Phi không thể hy vọng cạnh tranh với phép màu châu Á".
Tất nhiên, có một số chỉ dấu khiến cho một bức tranh trở nên sắc nét hơn về việc châu Phi đang phát triển tốt (hoặc không) như thế nào. Chúng ta có thể xem xét liệu ngành sản xuất chế tạo có đang tăng cao như một phần trăm của GDP, hoặc liệu giá trị chế tạo gia tăng (MVA) của xuất khẩu có tăng hay không. Trong những trường hợp này, so sánh giữa châu Phi và Đông Á thực sự rõ ràng - như được thể hiện bởi một báo cáo mới đây của Liên Hợp Quốc, trong đó vẽ ra một bức tranh mờ nhạt hơn nhiều về các triển vọng phát triển của châu Phi.
Báo cáo đúc kết rằng, mặc dù đạt được một số cải thiện, rất nhiều nước châu Phi hoặc đang đình trệ hoặc đang di chuyển thụt lùi về mặt công nghiệp hóa. Phần của MVA trong GDP của châu Phi giảm từ 12,8% trong năm 2000 xuống còn 10,5% trong năm 2008, trong khi ở châu Á đang phát triển, con số này tăng từ 22% lên 35% trong cùng khoảng thời gian. Cũng có một sự tụt giảm về tầm quan trọng của sản xuất chế tạo trong xuất khẩu ở châu Phi, với phần của sản xuất chế tạo trong tổng xuất khẩu của châu lục này giảm từ 43% trong năm 2000 xuống 39% trong năm 2008. Về mặt tăng trưởng chế tạo, trong khi hầu hết bị đình trệ, có tới 23 quốc gia châu Phi có mức MVA âm tính trên tăng trưởng bình quân đầu người trong giai đoạn 1990-2010, và chỉ có 5 nước đạt được một MVA/phát triển bình quân đầu người trên 4%.
Báo cáo cũng kết luận châu Phi vẫn ở bên lề của thương mại sản xuất toàn cầu. Phần của châu lục này trong MVA toàn cầu thực tế đã giảm từ con số 1,2% ít ỏi năm 2000 xuống 1,1% năm 2008, trong khi phần của châu Á đang phát triển tăng từ 13% lên 25% trong cùng kỳ. Về xuất khẩu, phần của châu Phi trong xuất khẩu sản xuất chế tạo tăng từ 1% năm 2000 lên chỉ 1,3% trong năm 2008. Châu Phi cũng đang mất dần vị thế trong ngành sản xuất chế tạo cần nhiều lao động: Phần của châu lục này trong các hoạt động sản xuất chế tạo công nghệ thấp trong MVA giảm từ 23% năm 2000 xuống 20% trong năm 2008, và phần của xuất khẩu chế tạo công nghệ thấp trong tổng xuất khẩu chế tạo sản xuất của châu Phi giảm từ 25% năm 2000 xuống 18% trong năm 2008.
Cuối cùng, châu Phi vẫn phụ thuộc nặng vào sản xuất dựa trên các nguồn lực tự nhiên, vốn là một dấu hiệu cho thấy một mức độ thấp kém cả về sự đa dạng kinh tế lẫn sự tinh vi về công nghệ trong sản xuất. Phần của các ngành sản xuất dựa vào nguồn lực trong tổng xuất khẩu sản xuất chế tạo ở châu Phi giảm rất ít trong những năm gần đây, từ 52% năm 2000 xuống 49% năm 2008. Trong khi đó, ở Đông Á và Thái Bình Dương, con số này giảm xuống còn 13% vào năm 2008.
Những thống kê và so sánh như vậy với Đông Á đương nhiên trái ngược hoàn toàn với viễn cảnh "châu Phi đang trỗi dậy".
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển châu Phi cũng rút ra một điểm tương tự. "Tăng trưởng của châu Phi có xu hướng tập trung vào một phạm vi hạn chế các loại hàng hóa và ngành nghề khai thác", báo cáo nêu rõ. "Những ngành này không tạo ra cơ hội việc làm để phần đông dân chúng chia sẻ các lợi ích. Đây là một sự tương phản rõ ràng đối với trải nghiệm của châu Á, nơi sự phát triển trong lĩnh vực sản xuất chế tạo cần nhiều việc làm đã giúp đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo...". Báo cáo tiếp tục nêu rằng "thúc đẩy tăng trưởng toàn diện có nghĩa là... mở rộng nền tảng kinh tế vượt ra ngoài các ngành khai thác và một nhóm hàng hóa cơ bản".
Ứng viên Tổng thống Ghana gần đây, Nana Akufo-Addo, cũng không bỏ lỡ điểm này khi đưa ra cảnh báo: "Khoảng 30 năm trước, một số quốc gia châu Phi, bắt đầu với Ghana và Uganda, đã thực thi các cải cách kinh tế tự do để ngăn chặn suy thoái kinh tế. Nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta đã mở cửa thị trường của mình cho cạnh tranh toàn cầu khi mà, ngoài các ngành khai thác, chúng ta chẳng có gì để cạnh tranh cả. Vì vậy, trong khi phần của châu Phi trong các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu đã được cải thiện mạnh mẽ trong thập niên qua, hầu hết số đầu tư này lại càng làm gia tăng sự thiếu hụt cơ cấu của các nền kinh tế của chúng ta".
Ngày nay, nhiều nước châu Phi cần sử dụng các chính sách công nghiệp, chẳng hạn như bảo hộ thương mại tạm thời, tín dụng bao cấp, và R&D hỗ trợ chung với các chính sách đổi mới và công nghệ, nếu họ muốn vực dậy các ngành sản xuất chế tạo của mình. Điều này đúng đối với tất cả cũng như đã đúng với Anh và các nước khác đã công nghiệp hóa thành công. Tuy nhiên, theo tư tưởng thương mại tự do và các thị trường tự do ngày nay, rất nhiều trong số những chính sách then chốt này lại bị lên án là "sự can thiệp tồi tệ của chính phủ". Chúng bị các nhà viện trợ song phương và đa phương khuyên không nên sử dụng và bị cấm trong các thỏa thuận WTO và các hiệp định thương mại tự do khu vực mới (FTA), cũng như các hiệp định đầu tư song phương (BIT) giữa các nước nghèo và giàu.
Phe chỉ trích các chính sách công nghiệp đã đúng khi viện dẫn một số trường hợp lịch sử, nơi các chính sách công nghiệp đã không phát huy hiệu quả ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, họ thường chọn lựa trong số các chỉ trích, bỏ qua những trường hợp thành công và không đả động đến chuyện giải thích tại sao các chính sách lại phát huy hiệu quả đến thế ở Mỹ, châu Âu và Đông Á trong khi lại thất bại thảm hại ở châu Phi và nhiều nơi khác.
Từ thập niên 1950 tới 1970, đặc biệt ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, nhiều chính sách công nghiệp thất bại bởi chúng được dùng không đúng và thường bị lèo lái bởi những toan tính chính trị hoặc tham nhũng thay vì các phân tích kinh tế hoặc các lý do xác thực. Ở Mỹ Latinh, thông thường các chính sách công nghiệp được duy trì quá lâu và quá tập trung vào các thị trường nội địa nhỏ lẻ, bỏ qua sự cần thiết phải phát triển tính cạnh tranh quốc tế. Trái lại, các nền kinh tế chính trị ở Đông Á lại bao gồm các thể chế có xu hướng thực thi các quy định ngặt nghèo hơn mà nhờ đó các ngành được trợ cấp và bảo hộ thương mại, và họ cắt bỏ chúng khi không đáp ứng được các mục tiêu thành tích. Họ cũng theo đuổi một định hướng mang tính hướng ngoại hơn trong các chiến lược công nghiệp hóa của mình.
Nhưng một số quốc gia đang ngày càng phản đối những kiềm chế như vậy. Các liên minh của các quốc gia đang phát triển với WTO, chẳng hạn như G33 và NAMA 11, đang yêu cầu có thêm thời gian để tiến hành tự do hóa thương mại và đòi miễn giảm rộng khắp hơn nhằm nâng cao thuế quan khi mà ngành nông nghiệp hoặc các ngành sản xuất khác ở trong nước bị đe dọa trước các dòng hàng hóa rẻ tiền hơn. Vấn đề thiếu hụt "khoảng trống chính sách" cần thiết đã được nêu ra trong một báo cáo mới đây của Ủy ban Tiến bộ châu Phi, do cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan làm chủ tịch. Ủy ban này bày tỏ sự quan ngại về các EPA (Hiệp ước Đối tác Kinh tế) mà Liên minh châu Âu đề xuất nhằm gắn sự tiếp cận của hàng hóa châu Phi vào các thị trường trong Khối với điều kiện châu Phi phải hủy bỏ hoặc hạ thuế quan đối với 80% lượng hàng hóa nhập từ Liên minh châu Âu. Báo cáo này khẳng định điều đó sẽ gây tổn hại rất lớn cho các ngành nghề nội địa.
Trong khi các quốc gia châu Phi thực sự cần có khoảng trống chính sách để điều chỉnh các chính sách ngành nghề của mình, việc các nước giàu đẩy mạnh điều kiện vay vốn cùng các thỏa thuận thương mại và đầu tư lại ngăn cản họ làm như vậy, tạo nên một viễn cảnh hài lòng về "sự vươn dậy của châu Phi". Khái niệm công nghiệp hóa đã bị loại khỏi nghị trình phát triển chính thức.
Châu Phi không phải đang phát triển dù đạt được những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ và thu nhập bình quân đầu người. Và chỉ các dịch vụ không thôi sẽ không thể tạo ra đủ việc làm nhằm tuyển dụng hàng triệu thanh niên thấp nghiệp ở các khu vực đô thị đang tăng trưởng của châu Phi. Thay vào đó, nhiều biện pháp cần phải được thực hiện để sửa đổi các thỏa thuận WTO, các thỏa thuận thương mại và hiệp ước đầu tư song phương để châu Phi tự do theo đuổi những chính sách công nghiệp mà châu lục này cần đến để đạt được tiến bộ thực sự.

Rick Rowden là một cố vấn về phát triển. Ông từng là cố vấn liên vùng cho Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ở Geneva và là một nhà phân tích chính sách cấp cao cho NGO ActionAid.
Sam Nguyễn theo foreignpolicy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét