Thứ Ba, 19 tháng 3, 2013

(4) Nên chọn hoa xấu hổ làm quốc hoa

(Đời sống) - Thời gian gần đây, dư luận lại tiếp tục xôn xao vì những vấn đề xung quanh chuyện bình chọn quốc hoa, đặc biệt là việc xuất hiện những đề cử mới rất phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc hoa Việt Nam là hoa xấu hổ.
Mặc dù đề cử hoa xấu hổ mới xuất hiện nhưng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và ý kiến đóng góp của nhân dân. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ vì thấy được hoa xấu hổ không những rất phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc hoa mà còn rất có ý nghĩa trong việc trở thành biểu tượng, gợi nhắc một phẩm chất cần có của con người: lòng tự trọng.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến phản đối đề cử này vì cho rằng cây xấu hổ là cây mai dương (cây mắt mèo- một loài cây gây hại đang cần tiêu diệt) nên không thể lựa chọn làm loài hoa đại diện cho đất nước.
Trên thực tế cây xấu hổ và cây mai dương dù có hình dáng khá giống nhau nhưng lại là hai cây khác nhau.

Cây xấu hổ (trái) và cây mai dương (phải) là hai loại cây khác nhau.
Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4 (NXB Từ điển Bách khoa Hà Nội, năm 2005) cho biết: Cây Mắt mèo (hay còn gọi là cây mai dương, trinh nữ thân gỗ) có tên khoa học là Mimôsa Pigra là một loài cây có gai cùng họ với cây Trinh nữ bò lan (tức là cây xấu hổ) có xuất xứ từ vùng nhiệt đới châu Mỹ (phát hiện đầu tiên vào năm 1980), thuộc họ đậu, thích hợp với môi trường đầm lầy nên cây còn được gọi chung là Trinh nữ đầm lầy.

Đây là một loài cây bụi có thân gỗ, mọc cao đến 2m, tạo thành những bụi cây rậm rạp, cành vươn dài và chịu được gió mạnh. Thân cây tuy không lớn nhưng có hàng chục chùm quả đầy lông tơ, có dạng gần giống chùm quả đậu ván nhưng dài hơn và nhiều hạt hơn.

Cây có sức sinh trưởng rất khủng khiếp và chủ yếu là nhờ sự phát tán hạt. Thân cây tuy không lớn nhưng có đến hàng chục chùm quả đầy lông tơ, có nhiều hạt. Khi quả khô, hạt tách ra, bay theo gió, cuốn theo dòng nước. Ở trong đất, hạt có thể ẩn mình đến hàng chục năm mới nảy mầm. Cây mai dương làm cho đất nghèo chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong rừng, do chứa chất mimosin - loại acid amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước…

Trong khi đó, cây xấu hổ hay còn gọi là cỏ trinh nữ là một loại cây cỏ nhỏ có gai, mọc rà ở đất, lá bẹ có rìa lông. Khi bị đụng đến và lúc về đêm thì lá xếp lại. Hoa hình đầu tròn, có màu hồng, quả có lông, rụng thành từng đốt.

Cây nhỏ, phân nhiều nhánh, mọc thành bụi, loà xoà trên mặt đất, cao độ 50cm, thân có nhiều gai hình móc. Lá kép lông chim chẵn, hai lần, cuống phụ xếp như hình chân vịt, khi dụng chạm nhẹ hoặc buổi tối thì lá cụp xẹp lại. Hoa nhỏ, màu tím nhạt, tụ lại thành hình đầu. Quả giáp nhỏ, dài độ 2cm, rộng 2-3mm, tụ lại thành hình ngôi sao, có lông cứng-hạt nhỏ, dẹt dài độ 2mm, rộng 1-1,5mm. Cây xấu hổ mọc hoang nhiều nơi ở nước ta: ven đường, bờ ruộng, trên đồi.

Cây xấu hổ không những không có hại mà còn có tác dụng để làm thuốc. Cành, lá làm thuốc ngủ, an thần. Rễ chữa nhức xương, thấp khớp.

Dù cùng họ nhưng cây xấu hổ khác với cây mai dương, và không hề gây hại với môi trường.

Trong dân gian cũng đã đưa ra nhiều cách phân biệt hai loại cây này: Cây xấu hổ mọc sát đất, thân và cọng lá có màu hơi tím, khi bị đụng thì cánh cụp vào. Trong khi đó cây mai dương mọc cao hơn (có thể cao đến 2 m) lá, cọng lá, thân cây đều màu xanh, khi đụng vào chỉ hơi cụp nhẹ.

Đặc biệt, câu xấu hổ có gai mọc thưa trên cây còn cây mai dương gai nhỏ và mọc dài, nếu không may bị quần áo dính vào, thì gỡ nó rất khó. Vì vậy, nhiều người cho rằng cây xấu hổ và cây mai dương là một là hoàn toàn không chính xác. 


http://phunutoday.vn/xa-hoi/doi-song/201303/Giai-oan-cho-ung-vien-quoc-hoa-2212207/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét