Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

Trung Nguyên sắp mở quán cà phê ở Mỹ

Ăn miếng trả miếng, Starbucks sang VN thì Trung Nguyên sang Mỹ. Không biết bác Vũ đã tính toán kỹ chưa ? Có điều bác Vũ phát biểu hơi hài: "Mong muốn người Mỹ sẽ được thưởng thức cà phê thực thụ". Thế hóa ra từ trước đến giờ người Mỹ toàn xài cà phê đểu, chỉ có ở VN mới có cà phê thực thụ ? Bác Vũ còn nói: "Starbucks không còn giữ được bản sắc riêng như thời kỳ đầu nữa. Họ sắp hết thời rồi, và chúng tôi sẽ là những người thay thế"

Chủ tịch Trung Nguyên - ông Đặng Lê Nguyên Vũ mong muốn người Mỹ sẽ được thưởng thức cà phê thực thụ và sản phẩm của hãng được ưa chuộng tại thị trường này.
Trung Nguyên muốn là nhà sản xuất cafe lớn nhất thế giới
Ông chủ Trung Nguyên hãy cứ làm như đã nói
Hãng bán lẻ cà phê lớn nhất Việt Nam - Trung Nguyên đang dự định mua lại một số nhà máy rang xay cà phê ở Mỹ, đồng thời mở cửa hàng ở Seattle, New York và Boston ngay trong năm nay. Ý định này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chuỗi cà phê lớn nhất thế giới Starbucks mở cửa hàng đầu tiên ở TP HCM ngày 1/2.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Chủ tịch Trung Nguyên - ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết họ sẽ bán khoảng 15% cổ phần công ty để có kinh phí cho việc này. 60 cửa hàng của Trung Nguyên tại Việt Nam đang phục vụ cà phê theo phong cách Việt, cùng một số hương vị như espresso của Italy và cà phê kiểu Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Vũ tin rằng sự đa dạng này sẽ được ưa chuộng tại Mỹ.
Trung Nguyên muốn mở cửa hàng tại Mỹ trong năm nay. Ảnh minh họa 
Ông cho biết: "Khách hàng tại Mỹ sẽ được uống cà phê thực sự. Mức độ thưởng thức cà phê của họ có lẽ vẫn chưa cao lắm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thay đổi điều đó". Trung Nguyên sẽ tập trung vào các loại đặc sản như dòng "Legendee", mô phỏng hương vị cà phê chồn. Đây là loại cà phê đắt đỏ và hiếm nhất thế giới. Theo website của hãng, Trung Nguyên đã khám phá ra loại enzyme tái tạo được quá trình tiêu hóa cà phê trong cơ thể chồn, để tạo ra hương vị giống thật cho sản phẩm này.
Doanh thu của Trung Nguyên đã tăng 32% năm 2012 lên 200 triệu USD. Theo ông Vũ, con số này sẽ gấp đôi trong năm nay do nhu cầu cà phê đóng gói ở Trung Quốc và Đông Nam Á tăng manh. Ông dự đoán Trung Nguyên sẽ cán mốc 1 tỷ USD năm 2016.

Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết ông sẽ xây dựng một thương hiệu toàn cầu và "một đế chế cà phê" trong vòng 10 năm tới, để cạnh tranh với Starbucks. Ông cũng tiết lộ công ty đang cân nhắc làm IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng), nhưng vẫn chưa ấn định thời điểm.

"Nếu Trung Nguyên vẫn gắn chặt với các sản phẩm cốt lõi và nỗ lực thu hút những khách hàng muốn thưởng thức hương vị mới lạ, đặc biệt là từ các nước khác, họ có thể mở nhiều cửa hàng và kinh doanh thành công. Người Mỹ luôn cởi mở với các nhãn hàng khác nhau, từ các nước và các nền văn hóa khác nhau", Jack Russo, một nhà phân tích tại Edward Jones & Co - hãng tư vấn tài chính cho các công ty tiêu dùng, nhận định.

Đặng Lê Nguyên Vũ dự định tăng số cửa hàng cà phê của hãng lên 200 trong hai năm tới. Công ty hiện có hơn 3.000 nhân viên và điều hành 5 cửa hàng tại Singapore.

Kể từ ngày khai trương, cửa hàng đầu tiên của Starbucks tại Việt Nam luôn tấp nập. Cửa hàng này chỉ cách nhà hàng mới của Burger King ở chợ Bến Thành - trung tâm du lịch - thương mại của TP HCM 1,6 km.

John Culver - Chủ tịch Starbucks tại khu vực Trung Quốc - châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng trưởng mạnh mẽ" ở Việt Nam và sẽ có "hàng trăm cửa hàng Starbucks tại đây". Đáp lại, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cho biết ông đã sẵn sàng cạnh tranh với Starbucks bằng kế hoạch phát triển trong ba năm tới.
Để việc tấn công vào Mỹ được thuận lợi, Trung Nguyên sẽ hợp tác với các chuyên gia về cà phê có chung tham vọng mở rộng ra toàn cầu. Các nhà đầu tư có thể mua tối đa 15% cổ phần của Trung Nguyên. Sau 10 năm, tỷ lệ này có thể tăng lên 30%. Ông Vũ cho biết họ đang đàm phán với các "người chơi chính" trong ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, ông từ chối tiết lộ tên tuổi cụ thể.

Peter Saleh, nhà phân tích tại Telsey Advisory Group (Mỹ) cho biết: "Vượt qua Starbucks hay McDonald's là việc nói dễ hơn làm. Quá trình này cần rất nhiều tiền bạc, nhân lực và nền tảng kiến thức".
Theo ông Vũ, cửa hàng đầu tiên của Trung Nguyên tại Mỹ có thể được đặt tên khác và nằm ở địa điểm mang tính "biểu tượng". Các cửa hàng gần đây của Trung Nguyên ở Việt Nam có khá nhiều nét tương đồng với Starbucks, như ghế bành to, âm nhạc và thực đơn có cả cà phê, sinh tố hay snack. Một số nơi còn có kệ sách với các cuốn như "Bảy thói quen của người thành đạt" hay tiểu sử của nhà sáng lập Apple - Steve Jobs. Ông Vũ cho biết mình đã đích thân chọn những quyển sách này để khích lệ tinh thần người Việt trẻ.

Ông nói: "Starbucks không còn giữ được bản sắc riêng như thời kỳ đầu nữa. Họ sắp hết thời rồi, và chúng tôi sẽ là những người thay thế".
Thùy Linh (theo Bloomberg)


Tôi rất thích những doanh nhân có ý nghĩ táo bạo, phát ngôn táo bạo và đi kèm là hành động táo bạo. Hi vọng doanh nghiệp VN sẽ nói được và làm được. Chúc Trung Nguyên thành công. Người Việt Nam nên ủng hộ hàng Việt Nam như người dân Hàn Quốc và Nhật Bản với điều kiện chất lượng nên cải thiện và dịch vụ thật tốt.    
Ủng hộ tham vọng của cà phê Trung Nguyên. Mình rất muốn một thương hiệu Việt Nam nổi tiếng toàn thế giới
Tham vọng lớn (đưa một thương hiệu cà phê Việt ra toàn cầu), rất tốt! Cung cách tiếp cận tham vọng mang tính chuyên nghiệp cao (hợp tác chuyên gia, đàm phán "người chơi chính"), lại càng tốt! Mười năm nữa ta sẽ thấy một "đế chế cà phê Việt"? Có thể CÓ, nhưng cũng có thể KHÔNG! Chí khí ngất trời (bái phục), nhưng mầm mống thất bại dường như cũng đang có sẵn trong tư tưởng của ông Chủ tịch (tiếc thay)! Có thể kể đến như:
- KIÊU NGẠO: "Khách hàng tại Mỹ SẼ được uống cà phê thực sự. Mức độ thưởng thức cà phê của họ có lẽ vẫn chưa cao lắm"! Làm như người tiêu dùng ở Mỹ HIỆN NAY và cả hàng TRĂM NĂM TRƯỚC chưa hề được thưởng thức cà phê thực sự, mà phải chờ đến ... Trung Nguyên! Định nghĩa thế nào là "cà phê thực sự" và thế nào là "cà phê không thực sự"? Ai, hay tổ chức độc lập nào chứng nhận "cà phê Trung Nguyên là thực sự" còn cà phê các hãng khác là không thực sự?! Mà thuộc tính "thực sự" và "hợp gu" cái nào là quan trọng hơn ? Và, chúng có "chõi" nhau không nhỉ?
- THIẾU TÔN TRỌNG ĐỐI THỦ CẠNH TRANH: Thương trường là chiến trường. Khi mình muốn làm "bá chủ võ lâm" đương nhiên phải đánh bại kẻ khác. Tuy nhiên, nếu không biết tôn trọng đối thủ, sớm muộn "anh" cũng sẽ ... thua đau. Trung Nguyên có thể rất hùng mạnh, nhưng so với Starbucks, tôi e Trung Nguyên chưa thể sánh được về nhiều mặt (tiềm lực, kinh nghiệm, truyền thống). Thế nhưng, khi Starbucks vào VN họ đã từng có những tuyên bố làm ... mát lòng dân bản địa (thừa nhận Việt Nam đã có một nền văn hóa cà phê, rằng họ sẽ đưa ra thị trường những loại cà phê phù hợp khẩu vị Việt, ...). Tôi chưa hề nghe họ công kích, khích bác, chê bai một thương hiệu cà phê Việt nào (điều ngược lại với ông chủ tịch của Trung Nguyên)!
- TÔN TRỌNG VĂN HÓA ĐỊA PHƯƠNG HAY ÁP ĐẶT VĂN HÓA CỦA KẺ ĐI CHINH PHỤC? Có lẽ trong tận cùng tâm trí của bất kỳ "kẻ đi chinh phục" nào cũng là "buộc" người khác theo mình! Nhưng Starbucks thể hiện ra bên ngoài là trước hết tôn trọng văn hóa (thưởng thức cà phê) địa phương. Trong khi ông chủ tịch của Trung Nguyên chỉ muốn ngay lập tức mọi người hãy uống thứ cà phê "THẬT" của ông ấy, và chỉ uống thứ cà phê đó thôi. Hai cách tiếp cận ngôi "bá chủ" khác nhau quá. Điều đó thể hiện điều gì nếu không phải là TẦM NHÌN và VĂN HÓA của "kẻ đi chinh phục". Một bên chinh phục bằng cách THUYẾT PHỤC và TÔN TRỌNG, còn một bên chinh phục bằng CHÊ BAI TRỰC TIẾP(đối thủ chỉ bán nước đường pha mùi cà phê) và TỰ CAO NGẠO BẢN THÂN (uống cà phê thật của Trung Nguyên mới được xem là có văn hóa thưởng thức, tức là "biết" uống!).
Tôi là người ngoại đạo kinh doanh. Tôi cũng uống cà phê nhưng không phải là người sành sõi. Tôi sẽ rất tự hào nếu Trung Nguyên (hay bất cứ thương hiệu cà phê Việt nào khác) mai đây trở thành một thương hiệu toàn cầu. Nói như vậy để thấy tôi ủng hộ cà phê Việt, nhưng tuyên bố kiểu Đặng Chủ tịch tôi hoàn toàn không thích và không ủng hộ. Mỗi sáng tôi đều pha một ly cà phê và nó không phải xuất xứ từ ... Trung Nguyên. Vì sao? Đơn giản là khẩu vị không hợp. Thế thôi.    
Bác Nguyễn Vũ này nói cứ như cafe Trung Nguyên là tiêu chuẩn toàn cầu, ai không uống Trung Nguyên là không biết thưởng thức. Bác chê Starbuck tơi tả nhưng gần đầy lại xây dựng quán có nhiều nét tương đồng với starbuck.
Cái thành phố du lịch của chúng tôi có hàng trăm quán cafe nhưng chỉ có duy nhất một quán cafe Trung Nguyên, dù giá bán một ly cafe của Trung Nguyên thấp hơn nhiều so với các quán khác nhưng lượng khách uống cũng tỷ lệ thuận với giá bán, đơn giản một câu, cafe quá dở. À không! chúng tôi không biết thưởng thức cafe    
Phong cách uống cà phê của người Mỹ khác với người Việt, người ta uống lạt như nước lã, chứ không đậm đà như cà phê Việt Nam, chỉ sợ người ta không với cà phê nước mình...
Ông nói: "Starbucks không còn giữ được bản sắc riêng như thời kỳ đầu nữa. Họ sắp hết thời rồi, và chúng tôi sẽ là những người thay thế".
Chỉ câu nói ngạo mạn nầy đả nói lên sự thất bại khi chưa bắt đầu
Tôi thấy đây chỉ là sự tự vệ yếu ớt của Trung Nguyên. Ko thể vì Starbucks vào Việt Nam mà TN cũng lò dò sang Mỹ được. Hãy tập trung vào mảng cafe hạt và bột mà TN đang làm rất tốt. Các cụ vẫn dạy là trèo cao thì ngã đau đấy ^^
Chào Ông Vũ,

Tôi có dịp thưởng thức cafe TN tại cửa hàng TN ở Vincom mới và xin góp ý như sau:

1. Tách cà phê đẹp nhưng cà phê rất ít chỉ như tách trà bắc.
2. Bàn ghế tương đối nhưng nhân viên thì không chuyên nghiệp vì thiếu nụ cười.
3. Menu hình đêp nhưng rối rắm tên cà phê vì quá nhiều loại và trừu tượng.
4. Đồng phục nhân viên không ấn tượng.    
Nên nhớ Mỹ là nơi tiêu thụ cafe nhiều và mạnh nhất trên thế giới...mọi sinh hoạt và cách sống của người Mỹ phù hợp với chất cafe của họ uống.
Cafe Mỹ lạt là do họ thích uống như thế, cũng như các thức ăn khác chẳng hạn như gà. Mình thì kho hay luộc ăn mới hợp khẩu vị, người Mỹ họ không thích ăn như thế, họ ăn gà rán mới hợp. Cafe Việt Nam uống cần phải có nhiều thời gian ngồi một chỗ tận hưởng mới ngon.
Cafe kiểu Mỹ thì vừa uống vừa làm việc hay lái xe....Thật ra thì VN chỉ mới hội nhập vào thị trường Mỹ mà quên rằng tất cả những đồ ăn từ gạo, nước mắm, tôm cá, hành tỏi....đã có mặt tràn đầy với chất lượng hảo hạng nhập từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc...khi tôi qua Mỹ cách đây hơn 20 năm trước. Không hiểu sao thời gian đó cái gì cũng rẻ rề...bây giờ có thêm hàng nhập từ VN qua....lý ra phải rẻ hơn nhưng lại mắc hơn thời đó.   
@Tammy, những người nước ngoài sang VN rất thích món cafe sữa đá ở VN đặc biệt là tại Trung Nguyên. Tôi toàn mua biếu bạn 1 gói cafe Trung Nguyên, 1 filter pha cafe do Trung Nguyên sản xuất in hoa văn trống đồng Đông Sơn rất Việt Nam và 1 hộp sữa ông Thọ làm quà biếu khi họ về nước. Họ cực kì thích.
Bạn tôi nhắc mãi món cafe sữa đá này :)
Tôi ủng hộ Trung Nguyên với ý tưởng này.    
Không dám làm sẽ không bao giờ thành công. Chúc Trung Nguyên thành công nơi đất khách, mang thương hiệu cà phê Việt Nam đến tất cả các nước trên thế giới.
Từ trường hợp ông Vũ mới nghiệm ra được 1 điều: Muốn làm việc lớn, trước hết phải dám nghĩ lớn.
@Tammy bạn nói vậy là bạn chưa hiểu cafe rồi, Cafe có rất nhiều loại..còn đậm ở VN mình đa số do pha bắp hoặc rang bơ để tăng vị, còn cafe nguyên chất muốn đậm được như VN thì là loại thật sự cao cấp và rất mắc. Với lại cũng ít người thích loại đậm lè như Robusta, người ta thích loại thơm nồng mà hậu vị đắng mà dịu như cafe Expresso hơn.    
Ông cho biết: "Khách hàng tại Mỹ sẽ được uống cà phê thực sự. Mức độ thưởng thức cà phê của họ có lẽ vẫn chưa cao lắm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thay đổi điều đó"
Dua vao dau ma danh gia ca mot nen van hoa cua nguoi ta ...    
Mình thấy các bác ai nói cũng đúng vì sự việc chưa xãy ra
Tôi chắc hẳn với tập đoàn lớn như Trung Nguyên, họ đã có những công trình nghiên cứu công phu trước khi có những quyết định xâm nhập vào thị trường Mỹ. Dù cho xu hướng người dân Mỹ thích cái gọi là" nước ngọt có mùi cafe, thì vẫn còn thị phần cho Trung Nguyên, chúc cho Viêt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp, vươn ra khỏi nước, để không những xây dựng doanh nghiệp mà còn xây dựng hình ảnh Việt Nam, giúp cho du lịch, con người, xã hội phát triển. Tôi rất thích những câu nói " Ngông" của Anh Vũ, cũng như những kế hoạch tuyệt vời của Anh-    
Nghe ông Vũ nói truyện không được khiêm tốn cho lắm.
Ông Vũ nên đọc cho kỹ trích đọan này nhá. Peter Saleh, nhà phân tích tại Telsey Advisory Group (Mỹ) cho biết: "Vượt qua Starbucks hay McDonald's là việc nói dễ hơn làm. Quá trình này cần rất nhiều tiền bạc, nhân lực và nền tảng kiến thức".
Hơ Hơ
Khoa trương quá đi.
Tôi thấy ông Vũ là một người tâm huyết, suy nghĩ của ông Vũ ko phải ai cũng có được, Chúc ông và thương hiệu cafe Việt sẽ là những nền cafe đứng đầu thế giới.
Tammy. Bạn nhận định chưa chính xác. Có thể thời gian đâu người Mỹ sẽ chưa quen nhưng khi quen khẩu vị thì Trung Nguyên sẽ đánh bại các thương hiệu khác. Vì minh có thời gian sống ở china, ngày đâu tiên người trung quốc họ chưa quen. Nhưng khi quen rồi họ nói với mìnhcàphê mình uống rồi không thể có cà phê nước nào thay thế khâu vị của họ được!!    
Cái hay của Trung Nguyên là dám nói và hành động, các bạn đã từng dám thế chưa? sao cứ đả kích như vậy? hay chỉ suốt ngày ngồi than thở, đổ thừa số phận của mình? VN rất nhiều tài nguyên mà chúng ta đã biết phát huy nó ...    
Các chuỗi cửa hàng coffee ở phương Tây doanh số thu từ bán cafe chỉ chiếm không quá 50% tổng doanh thu. Ngoài cafe họ còn bán các loại đồ uống khác và đồ ăn nhanh.
Ẩn đằng sau thương hiệu là cả 1 nền tảng tài chính, công nghệ, văn hóa... Mà để có thương hiệu thực sự không thể 1 sớm, 1 chiều có ngay được.
   
IPO là điều tất yếu Trung Nguyên phải làm, để hiện thực hóa tham vọng trở thành kẻ thống lĩnh ngành cà phê toàn cầu. tính cấp bách thời gian là rất cần thiết.
Hãy đi sẽ đến, hãy gỏ cửa sẽ mở hãy làm bạn sẽ thành công. Chúc TN luôn THÀNH CÔNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét