Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

TẾT và tản mạn... rắn

TẾT và tản mạn... rắn

- Ở phương Đông, mỗi năm là một con giáp. Báo Tết cũng là một “đặc sản” tinh thần dịp Tết cổ truyền. Lệ năm nào nói về con vật ấy. Tôi thích khí Xuân, sự tươi mới, có thể viết về Xuân mãi. Nhưng rắn chẳng thể là nguồn cảm hứng bao giờ.
Ai cũng quan tâm nhất tuổi mình cầm tinh. Ai tuổi rơi vào năm đương lịch thì càng phấn chấn, bảo vệ, thấy cái hay của con vật ấy. Tôi sợ và ghét rắn, nên không mấy chú ý ai tuổi rắn, cho đến 2013 này. (Có thể đây là lần đầu tiên và sau chót tôi viết về rắn).
Dân gian quan niệm mâm cỗ cúng Tất niên, chính Tết, ngoài món cổ truyền, món đặc trưng vùng miền, còn có món phù hợp với con giáp năm ấy. Năm Rắn cúng gì?
Năm nào cũng cúng gà trống luộc, năm nay càng hợp. Rắn sống khắp nơi, càng sinh sôi khoẻ ở vùng nông thôn, sông nước. Sở trường của rắn là bắt gà. Tuỳ kích thước, rắn to có thể nuốt chửng con mồi. Gà thì quá sang; cóc, nhái là món thường trực. Rắn ruộng, rắn nước tuy không quá nguy hiểm, nhưng cũng khốn đốn nếu bị chúng cắn mà không biết cách sơ cứu kịp thời và đi bệnh viện ngay. Mắt bé, sắc lạnh, lưỡi phân đôi, luôn hung dữ, đe doạ, thường trực tấn công. Rắn bò khẽ, tấn công đột ngột: mổ, lao, quăng, thít nhanh và đa số chính xác. 

Vũ khí nguy hiểm nhất của chúng: nọc độc, lại là lợi ích giá trị nhất nếu biết cách lấy để sử dụng làm dược liệu. Rắn nấu cao chữa đau xương khớp, rồi huyết rắn pha rượu, thịt rắn chế biến thức ăn. Điện ảnh cách mạng VN thành lập 60 năm qua, có một đạo diễn sành rắn, ưa rắn khó ai bì kịp - NSND Nguyễn Hồng Sến (1933 - 1995). Người con quê hương Nam Bộ sông nước kênh rạch chằng chịt này có tính cách hào sảng, thân thiện, khoáng hoạt rất “anh Hai”. Ông thạo bắt cá, tôm và rắn, nên mỗi chuyến làm phim, đoàn thường được ăn đồ tươi tại chỗ. Lội nước bắt rắn tài tình không chỉ giúp thư giãn khi làm phim vất vả mà là thú vui, cảm hứng của ông. 

Ông đưa chi tiết này vào các bộ phim, khiến các tác phẩm của Hồng Sến luôn chân thực, sống động và độc đáo. Độc đáo nhân vật chính phải có tài bắt rắn như hiện thân của Hồng Sến, mà có phải diễn viên (DV) nào cũng dám và làm được đâu. Trong phim truyện Cánh đồng hoang (giải Quả cầu Vàng LHPQT Moskva năm 1981) - một trong các phim kinh điển của ĐAVN, nhân vật Ba Đô (Lâm Tới đóng) những lúc không bận đánh giặc là lội đồng bắt rắn. Lâm Tới không diễn, không có “cascadeur”  mà làm thật. Lội nước bì bõm, chột, … vồ… trúng phóc… Lâm Tới thể hiện tài tình làm nên một trường đoạn ấn tượng mạnh và choáng ngợp của tác phẩm.

“Lừ đừ như rắn ăn no”, chẳng đợi lúc no, lúc đói rắn cũng trườn êm. Loài bò sát da trơn, chui mọi hốc, lỗ, ngõ ngách đã từng làm “rụng tim” bà con khi đột ngột nằm gọn trong bồ thóc hay dưới chân giường, khoanh tròn nơi góc bếp lim dim… sưởi ấm khi nhà có vườn ruộng, um tùm lại gần kênh, ruộng. Núi, biển, đều có rắn. Một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh như Việt Nam, rất thấm câu “cõng rắn cắn gà nhà”. Thời chiến giai đoạn nào chẳng có kẻ phản bội, gián điệp hai mang. Kẻ ác, gian trơ tráo thường được ví là “thằn lằn rắn ráo”. Cả dân gian lẫn trong nghệ thuật, rắn chưa bao giờ được nhận một  chút thiện cảm, càng không thể là cảm hứng sáng tạo (trừ trường hợp ĐD Hồng Sến). Rắn thường làm người ta sợ hãi do độ nguy hiểm bất thần và khó lường của chúng. Hiếm hoi, tên các loài rắn được đưa vào thơ và thành tác phẩm nổi tiếng hơn 200 năm qua. 

Chú bé quê lúa Thái Bình viết bài thất ngôn tứ tuyệt “Rắn đầu biếng học” để tạ lỗi cha và hứa học tốt. Danh từ chỉ tên các loài rắn được biến thành động từ, tính từ. Sự sáng dạ thần đồng đã khiến cậu bé sau này không những không làm “Hổ mang danh tiếng thế gia” mà trở thành nhà bác học Lê Quý Đôn (1728-1784), được người đời truyền tụng. Bài thơ này được nhạc sĩ Hà Nội Hoàng Giai (80 tuổi) bắt được ý, viết thành bài hát “Người giỏi giang”. “Tinh khôn lắm tài - Em hát về 12 con giáp” là tên tuyển tập bài hát đầu tiên về 12 con giáp (NXB Âm nhạc 2007). Là nhạc sĩ chuyên viết cho thiếu nhi, đồng môn của GS Tô Ngọc Thanh ở trường Sư phạm, khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, nhạc sĩ Hoàng Giai là người đầu tiên đưa rắn vào âm nhạc.

Nguyễn Tư Nghiêm (SN 1919) là người duy nhất còn sống trong bộ tứ danh hoa “Sáng - Nghiêm - Liên - Phái”. Ông lấy bà Hương Giang, thành con rể nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987) - bậc thầy tuỳ bút, bậc thầy về thưởng thức rượu, hoa và ẩm thực Hà thành. Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tranh con giáp mỗi dịp Xuân về.

Danh hoạ Bùi Xuân Phái (1920-1988) nổi danh vẽ phố cổ, chèo, cũng có thú hoạ độc đáo. Ông làm thiếp chúc mừng năm mới, mỗi năm vài chục bức, vẽ con giáp năm ấy, gửi tặng bạn bè, vẽ từng chiếc một chứ không in, sao hàng loạt. Vẽ từng chiếc như ông làm 50 thiếp mời đám cưới cho con trai thứ Bùi Thanh Phương năm 1987. Thế hệ sau các ông, một hoạ sĩ đương đại chuyên tâm vẽ con giáp, là Lê Trí Dũng.

Nhân xà, gắn với con người từ thuở sơ khai. Thượng đế tạo ra Lilith - đầu người mình rắn - làm vợ Adam. Rồi lại tạo thêm Eva từ xương sườn Adam. Kẻ dụ dỗ Eva ăn trái cấm chính là Lilith. Sức mạnh của rắn khiến loài người vừa sợ vừa nể. Rắn được thờ ở nhiều nơi. Những phù điêu, hình ảnh rắn trên các di tích cổ cho thấy con người đã xếp rắn là vật thiêng, là thần từ rất sớm.

Người châu Âu, Mỹ không tính tuổi theo con giáp cầm tinh. Các danh hoạ kiệt xuất thế giới, nhất là ở phương Tây, chưa ai đưa rắn vào sáng tạo. Chủ soái tranh lập thể, P. Picasso (1881-1973), người Tây Ban Nha, sáng tạo và thành đạt và qua đời tại Pháp) vẽ nhiều, yêu nhiều… tuổi Tân Tỵ. Đấy là tra cứu phương Đông, chứ hoạ sĩ thiên tài này sinh thời chắc đâu biết điều này. Ông vẽ chim bồ câu đẹp và thơ trong các tuyệt tác của mình, chưa khi nào vẽ rắn. Những người tuổi rắn kiệt xuất khác trên thế giới có thể kể đến là Mahatma Gandhi (1869-1918) - anh hùng dân tộc, vĩ nhân Ấn Độ và Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, người đã lãnh đạo đất nước vượt qua cuộc chiến và chấm dứt chế độ nô lệ - Abraham Lincoln (1809-1865) luôn được tôn sùng là nhân vật số 1 trong lịch sử nước Mỹ.

Năm Quý Tỵ 2013 mang hành Thuỷ. Nươc chảy mây trôi, thời gian qua nhanh mỗi giây như một mũi tên êm ái vô lường mà chúng ta có thể chỉ biết và tiếc nuối khi nó vụt qua mà không phải ai đạt đến đích. Tiến trình phát triển của nhân loại đi liền với chinh phục, chế ngự thiên nhiên, khí hậu, các loài vật. Có loài thuần dưỡng, có loài chỉ khống chế một phần. 

Trăn, họ hàng của rắn, đã lên sân khấu xiếc chuyên nghiệp từ lâu. NSƯT Tống Toàn Thắng (Liên đoàn Xiếc VN) nổi tiếng từ 20 năm trước với tiết mục “Thạch Sanh giết trăn tinh cứu công chúa”. Tính đến lúc này, chỉ có anh vác một lúc 3 con trăn, huấn luyện chúng làm xiếc mà chưa thấy diễn viên kế truyền. 

Con gái anh, Tống Thoại Châu Khanh (10 tuổi) luôn là “cái đuôi” của bố, sống không khi xiếc từ nhỏ nên không sợ trăn. Cô bé có khuôn mặt giống bố y hệt này quá quen với việc lại gần… vuốt ve trăn. Hình ảnh Tống Toàn Thắng cởi trần đóng khố, quấn quanh mảnh vải da báo vác trăn lên như một dũng sĩ thời hiện đại. Rắn chưa lên sân khấu chuyên nghiệp; song hàng trăm năm nay đã xuất hiện nhiều sân khấu đường phố. Ở Ấn Độ, rắn lắc lư “múa” theo tiếng sáo của các thầy tu bên vệ đường, là chuyện quá quen. Màn “nuốt rắn” ghê sợ thanh chiêu giật gân kiếm tiền ở nhiều điểm du lịch.

Như làng Kok Sanga, ngoại ô TP Khon Kaen (Thái Lan), phụ nữ nuốt rắn trong mấy chục lần mỗi ngày, kiếm tiền từ khách du lịch. Họ ngậm vào miệng đầu co hổ mang chúa, trẻ em quấn con rắn quanh cổ, đùa giỡn… để kiếm 10 baht (5.000 đồng VN)/lần biểu diễn.

Nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp là những người đem sự khéo léo, khổ luyện, đổi mạo hiểm để thu hút khán giả, thì “nghệ sĩ xiếc nhân dân” như những người nuốt rắn còn đổi cả sức khoẻ, tính mạng cốt mưu sinh. Hổ mang là một trong các loài rắn nọc độc nhất. Những “người rắn” vô số lần bị rắn cắn, dù thạo tính nết của chúng cũng khó tránh “tai nạn nghề nghiệp”, thậm chí tử vong. Nuốt rắn, nuôi rắn trong nhà để kiếm sống chẳng khác gì những người đi tìm bom, cưa bom sót lại sau chiến tranh bán phế liệu. Biết là nguy hiểm, vẫn cứ liều. Ở xã Bình Đức, Châu Thành, Tiền Giang có trại rắn Đồng Tâm và Bảo tàng 50 to tiêu bản loài rắn. 

Rắn động đực dịp Hè, đẻ vào mùa Đông, nên mùa Xuân là lúc nhúc rắn con. Rắn chẳng khi nào đáng yêu được, dù có những loài rất lạ: rắn toả  hương, rắn có mào, rắn khí công (xe ô tô cán không chết), rắn dập lửa, rắn bay. Cảnh sát ở Jakarta (Indonesia) còn huấn luyện được 7 con rắn to tấn công mục tiêu khi nhận lệnh. Cảnh sát khi đi làm nhiệm vụ, dắt theo chó săn và choàng rắn lên cổ.

Hà Nội mất làng hoa Ngọc Hà, làng đào Nhật Tân, lại có thêm những làng hoa mới. Làng hoa Tứ Liên (quận Tây Hồ), làng quất Nhật Tảo (huyện Từ Liêm). Hoa là một biểu trưng của cái đẹp, trong sáng, hương sắc phô diễn khắp trần gian. Rắn luôn là tượng trưng của sự nguy hiểm, thần bí, ghê sợ, bí ẩn, cái ác. Thăng Long 1003 tuổi có cả làng hoa và làng rắn. Người ta nuôi rắn để chế biến đồ nhậu, ngâm rượu làm thuốc. Làng Lệ Mật nay đã lên phố Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên, là một làng giàu nhờ làm đặc sản rắn. Cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, theo đường lên Sơn Tây, cạnh quốc lộ 32 có làng mãng xà Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ). 

Ở đây, có hàng trăm gia đình nuôi rắn, thứ nghề gia truyền mưu sinh, cả xã 60% hộ nuôi rắn như nghề truyền thống. Họ xây hầm, lưới vây, ăn cơm trên hầm rắn. Ngày cho rắn đi chơi, tối ngủ trên chõng tre cùng rắn - hơi rắn ngấm vào người từ lúc nhỏ. Nhiều nhà đổi đời nhờ rắn, nhất là rắn độc. Đúng là sinh nghề tử nghiệp. Sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy trong khi chưa có thuốc loại trừ nọc độc, thật là hú vía, thế mà vẫn nuôi, treo biển bán rắn giống, thu mua rắn khắp làng. Trên đường phố Hà Nội, thỉnh thoảng lại gặp những người đàn ông chở sọt rắn đằng sau, gắn biển “Bán rắn”, họ có thể làm thịt tại chỗ cho khách. Trước đây, tôi hay thấy họ đứng ở gần vườn hoa V.Lenin, phía đường Trần Phú.

Dẫu là năm con gì, thì Xuân tới, mùa đầu cũng là mùa cho bất cứ ai, dù hoàn cảnh nào, đều có quyền lạc quan, hy vọng. Tết xác định mỗi người thuộc về đâu, khi Tết là dịp để sum họp, tìm về, để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, người đã mất. Đọc lại tác phẩm nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) viết về “Tết Nguyên đán của người Việt Nam” từ 72 năm trước, càng yêu thêm Tết truyền thống với ý nghĩa sâu sắc, nhân văn tuyệt vời. 

Trên tạp chí Indochine (Đông Dương) tháng 8/1941, GS. TS Nguyễn Văn Huyên viết: “Chính vì ngày Tết mở ra một cuộc sống, cho mọi cá nhân ở xứ sở mà tình cảm về sự phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ giữa trật tự con người là yếu tố cơ bản của mọi tín ngưỡng dân gian. Và ở đây, cuộc sống tổ chức theo nhịp điệu hai mươi bốn thì theo lịch định, thì việc chuyển sang ngày mở đầu một chu kỳ các tuần trăng được coi là một cách chính đáng như sự kiện hàng đầu. Mọi người đều hoan hỉ vì đã sống thời gian trôi qua và long trọng chuẩn bị bước vào thời kỳ đang mở ra.

 Lễ đêm ở các đền chùa nổi tiếng của Hà Nội đã trở thành truyền thống. Mọi người đều muốn đi lễ đền chùa trước khi cử hành lễ đón giao thừa trong gia đình. Sau khi đi thăm các đền chùa trở về và coi là đã thấm nhuần ân huệ của các thần, người ta vững tâm xông đất nhà mình. Vì ai cũng muốn yên chí rằng người đầu tiên bước vào nhà mình là người đem theo những dấu hiệu tốt lành. Nếu chẳng có ai tốt hơn, thì không ai chắc chắn bằng mình là người có khước, từ chốn cửa thần thành trở về nhà, mang về từ đó một nén hương đốt sẵn để cắm lên bàn thờ tổ tiên”.

Thật tao nhã, thanh khiết và linh thiêng đêm giao thừa và sáng mồng Một Tết. Mỗi năm thêm tuổi, Xuân vẫn cho ta trẻ lại, vì Xuân là mùa yêu vĩnh hằng.

Xuân 2013
V.T.L
http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/108481/tet-va-tan-man----ran.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét