Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

“Tan giấc mơ đại gia” dưới góc nhìn một doanh nhân

Đúng là dưới góc nhìn một doanh nhân làm cho DNNN. Đọc đoạn "Thành công và thất bại" và một số đoạn bôi vàng khác thấy quá khó chịu. Thương cho các doanh nhân tư nhân VN đang phải lăn lộn trong môi trường kinh doanh liên tục bất ổn và chẳng theo quy tắc của thị trường như ở nước ta.


TP - Từng là doanh nhân, trải qua những bước thăng trầm, khi làm Tổng giám đốc Hãng bay giá rẻ Jetstar, TS Kinh tế Lương Hoài Nam gửi tới Tiền Phong bài viết, lý giải chuyện “Tan giấc mơ đại gia Việt”, và những trăn trở của ông về làm giàu bền vững.

Tiến sỹ kinh tế Lương Hoài Nam - từng làm CEO nhiều doanh nghiệp.
            Ảnh: Đình Thắng
Tiến sỹ kinh tế Lương Hoài Nam - từng làm CEO nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Đình Thắng.
Thành công và thất bại
Năm Nhâm Thìn 2012 trôi qua với rất ít tin vui và rất nhiều tin buồn cho giới doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Hơn một triệu tỷ đồng, gần bằng một nửa GDP quốc gia “tắc” trong các dự án bất động sản (BĐS) và các ngành liên quan.
Gần 250.000 tỷ đồng nợ xấu ngân hàng. Nhiều đại gia một thời lừng lẫy, thần tượng của hàng triệu người Việt Nam bỗng biến thành con nợ bị các chủ nợ trong và ngoài nước “săn đuổi”.

Khó tìm được một cách diễn đạt nào đầy đủ hơn “ước mơ được trở về ngày xưa, về với cái máng lợn sứt mẻ, nhưng máng đó là của mình” của ông chủ Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, chủ tịch Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị Kinh Bắc, đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm. Ông Tâm mong ước như vậy và chắc chắn nhiều đại gia Việt Nam cũng có tâm tư, mong ước như ông Tâm.
Nhưng ước cũng chỉ để mà ước thôi, không ai có quyền năng bắt thời gian quay lại. Những khoản lợi nhuận lớn thu được một cách hợp pháp, chủ yếu là từ các lĩnh vực BĐS và liên quan đến BĐS, được xã hội thừa nhận, không bao giờ đòi phân chia hay hoàn lại (cho dù có nhiều người “ấm ức” vì đã mua BĐS với giá cao).
Vì vậy, gánh nặng nợ mà những nhà đầu tư liều lĩnh đã nhận cho các dự án đầu tư đang bị “đóng băng”, họ buộc phải tìm cách trả.
Dù sao, cũng có niềm an ủi là, khác với những người mua hay nhà đầu tư nhỏ đã mua nhà bằng tiền túi, trách nhiệm trả nợ của các nhà đầu tư - đại gia được giới hạn bởi phần vốn góp của họ vào các doanh nghiệp; nếu các doanh nghiệp này không trả được nợ thì các ngân hàng cũng không bắt họ bỏ tiền túi ra bù.
Trong khi đó, để ngăn chặn việc đổ vỡ dây chuyền gây nguy hại cho nền kinh tế, nhà nước phải vào cuộc với các chương trình mua bán nợ xấu, hỗ trợ các ngân hàng, các doanh nghiệp BĐS.
Tiền của nhà nước cũng là tiền của dân - những người đóng thuế. Vì vậy, về thực chất, người dân đã giúp các nhà đầu tư - đại gia làm giàu trong những năm qua và, thông qua nhà nước, tiếp tục giúp họ tháo gỡ các khó khăn nợ nần mà các doanh nghiệp của họ đang mắc phải.
Soi vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp rất lớn, dễ dàng nhận thấy phong cách, văn hóa kinh doanh gia đình đã và đang tồn tại trong hầu hết các doanh nghiệp.
Thẩm quyền quyết định đầu tư, kinh doanh dồn vào một số ít người có quan hệ gia đình hoặc bạn bè thân tín; rất ít các doanh nghiệp có hệ thống phân cấp thẩm quyền và chế độ kiểm soát khoa học như ở các doanh nghiệp nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài. Một số doanh nghiệp có chế độ phân cấp trên giấy tờ, nhưng trên thực tế được vận hành theo kiểu khác.
Trong khi đó, ở các doanh nghiệp thành công, bên cạnh tầm nhìn chiến lược của ông chủ doanh nghiệp là năng lực, các giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp, đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên nghiệp tại tất cả các vị trí, tầng lớp quản lý, biết thực thi tốt trong phạm vi trách nhiệm của mình và biết quyết định tốt trong phạm vi thẩm quyền của mình.
Trong các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, thử hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp đã có được bộ máy đạt được yêu cầu này? Có bao nhiêu ông chủ thực sự đã suy nghĩ, mong muốn, cố gắng xây dựng một bộ máy như vậy?
“Trông người lại ngẫm đến ta”
Nếu chỉ để sống và hưởng thụ, Bill Gates, Warren Buffett đâu cần phải làm việc nữa, tiêu tiền đến mấy đời con cháu chắt chút chít cũng chẳng hết. Họ làm việc vì nhu cầu đóng góp cho xã hội và thể hiện giá trị con người, không phải vì tiền.
Như Ted Turner nói thời còn là chủ tịch của CNN: “CNN là của nước Mỹ, không phải của tôi. Bằng chứng là khi chết đi, tôi có mang nó sang thế giới bên kia được đâu”.
Bill Gates, Warren Buffett và một số người giàu khác đã đóng góp phần lớn tài sản của mình vào “Bill & Milinda Gates Foundation” - quỹ từ thiện lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Mới đây, tỷ phú trẻ tuổi Mark Zuckerburg của Facebook cũng tuyên bố sẽ dành phần lớn tài sản của mình làm từ thiện.
Một tấm gương sáng về làm giàu và nhân cách thương gia là tỷ phú người Anh Richard Branson, nhà đầu tư lừng danh trong rất nhiều lĩnh vực: âm nhạc, đường sắt, hàng không, viễn thông…
Khi người Nga mời Richard Branson làm khách hàng chương trình du lịch vũ trụ của Nga với giá 20 triệu USD, ông trả lời rằng số tiền đó là quá lớn (mặc dù chỉ là con số lẻ trong tài sản nhiều tỷ USD của ông), ông sẽ hiện thực hóa ước mơ du lịch vũ trụ của mình và của nhiều người khác với giá 200.000 USD, chỉ bằng một phần mười giá của người Nga.
Ngay trong chuyến thăm trung tâm vũ trụ Nga, chương trình du lịch vũ trụ giá rẻ Virgin Galactic của Richard Branson đã được quyết định. Đến nay, hơn 500 người đã “đặt vé” và các chuyến bay du lịch vũ trụ giá rẻ của Richard Branson dự kiến sẽ cất cánh trong năm 2013.
Giá trị của một con người trong con mắt mọi người, nói cho cùng, không phải là người đó ở trong một cái nhà như thế nào, đi xe ôtô gì, mặc đồ hiệu gì, mà là người đó làm được gì cho những người khác, cho xã hội. Điều này là sự thật hiển nhiên, không có gì khiên cưỡng, giáo huấn cả.
Việt Nam đi lên bằng thế mạnh nào?
Hãng bay giá rẻ Jetstar
Hãng bay giá rẻ Jetstar.
Một vấn đề đang thực sự đau đầu đối với Việt Nam là câu hỏi: Đâu là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn mà Việt Nam có thể làm tốt hơn các nước khác trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay? Trung Quốc đã khẳng định được vị thế của mình về sản xuất hàng hóa giá rẻ.
Ấn Độ đã trở thành trung tâm công nghệ tin học (IT) và các dịch vụ dựa trên nền tảng IT thứ hai sau Mỹ. Việt Nam đã thất bại trong hầu hết các chương trình trọng điểm về công nghiệp ôtô, đóng tàu biển và phát triển kinh tế biển, các tham vọng về IT cũng đã “xẹp” xuống rất nhiều so với trước đây.
Kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công với hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng thấp.
Trong khi nhà nước tiếp tục thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và rút dần khỏi các hoạt động kinh doanh thuần túy, các nguồn tài nguyên cũng cạn kiệt dần, các nhà đầu tư tư nhân của Việt Nam sẽ là người trả lời câu hỏi đâu là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn thực sự của Việt Nam và biến thành hiện thực. Chắc chắn đó không phải là BĐS.
Tiễn năm Nhâm Thìn, một năm không mấy tốt đẹp đối với các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam, thiết nghĩ cái bổ ích nhất mà nó để lại là những bài học.
Nếu các doanh nhân của chúng ta biết mổ xẻ tốt những bài học đó để điều chỉnh mang tính bước ngoặt cho năm Quý Tỵ trở đi thì không có học phí nào là quá đắt, mọi chi phí cho những bài học đó đều có thể hoàn vốn và có lãi.
Nhiều người giàu chưa hiểu được rằng, với cách làm lâu nay, họ vừa là nhân tố tạo ra những thành công trong quá khứ, đồng thời, họ cũng là nhân tố chính gây nên thất bại trong thời gian gần đây.
TS Lương Hoài Nam
http://www.baomoi.com/Home/KinhTe/www.tienphong.vn/Tan-giac-mo-dai-gia-duoi-goc-nhin-mot-doanh-nhan/10371045.epi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét