Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

'Phá giá tiền đồng thiệt nhiều hơn lợi'

Một số quan điểm cho rằng năm 2013, Việt Nam nên phá giá tiền đồng 3-4% để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng nếu làm như vậy sẽ dẫn đến "thiệt nhiều hơn lợi".
Ổn định tỷ giá phải hy sinh vàng'
Năm 2012, tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại không còn biểu hiện căng thẳng, nhu cầu găm giữ ngoại tệ của người dân giảm đáng kể. Đến cuối năm ngoái, tiền gửi ngoại tệ của khu vực dân cư giảm hơn 13% so với cuối năm 2011 trong khi gửi bằng tiền đồng tăng 36%. Đây được cho là thành công lớn trong chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm qua.
Những ngày trước Tết Nguyên đán, giá mua bán USD lại có sự điều chỉnh giảm, nhất là chiều thu mua của ngân hàng thương mại. Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước cho rằng, đó là do nguồn cung lớn từ doanh nghiệp và dân cư đã chuyển đổi USD sang tiền đồng để trả lương, thưởng hoặc chi tiêu cuối năm. Do đó, thanh khoản USD tại nhà băng ông hiện khá tốt nên không có lý do gì để tăng giá thu mua đôla Mỹ.

Một số chuyên gia lo ngại, phá giá tiền đồng thiệt nhiều hơn hại. Ảnh: Hoàng Hà
Một số chuyên gia lo ngại, phá giá tiền đồng thiệt nhiều hơn hại. Ảnh: Hoàng Hà
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng tin rằng những thành công của điều hành tỷ giá năm 2012 sẽ là một dấu hiệu tốt cho năm 2013. Theo ông, tỷ giá năm nay sẽ tăng nhẹ và ổn định, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát 2013 sẽ tương đương năm ngoái, tức dưới một con số. Ngoài ra, thị trường vàng được đi vào ổn định khi có sự tham gia mua bán của Ngân hàng Nhà nước.
Chia sẻ quan điểm trên nhưng Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lại băn khoăn về việc đồng nội tệ đang bị đánh giá cao có thể gây khó khăn cho xuất khẩu. Theo ông, tỷ giá danh nghĩa của Việt Nam không thay đổi đáng kể trong khi lạm phát tăng cao suốt 2 năm qua khiến VND tiếp tục âm thầm lên giá so với đồng đôla. Cầu nhập khẩu suy giảm và lượng kiều hối dồi dào đã làm lu mờ áp lực lên giá của đồng Việt Nam. "Đồng nội tệ hiện bị đánh giá cao khiến các ngành phụ thuộc xuất khẩu gặp khó khăn, ngay cả với những ngành đã từng có lợi thế gần như độc quyền trên thế giới", ông cho biết.
Ông Nguyễn Đức Thành còn cho rằng, việc ổn định tỷ giá là hoàn toàn nằm trong tầm tay của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, theo ông nhà điều hành nên chủ động phá giá nhẹ tiền đồng khoảng 3%-4% trong cả năm thông qua một số bước với biên độ 1-1,5%. Việc phá giá này nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất trong nước trước hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, đề xuất này lại khiến không ít chuyên gia tỏ ra tranh cãi. Ông Nguyễn Trí Hiếu đồng tình và cho rằng Ngân hàng Nhà nước cũng không nên quá cẩn trọng trong điều hành tỷ giá. "Nếu tỷ giá giữ ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Theo tôi nên cho phép tỷ giá biến động điều chỉnh trong khoảng 3% là hợp lý", vị chuyên gia này cho biết.
Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh lại quan ngại việc phá giá nhẹ hỗ trợ cho xuất khẩu chỉ là trên lý thuyết và không phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Theo ông, khi nền kinh tế Việt Nam trong năm 2013 vẫn đi theo quán tính của các năm trước và không có nhiều sự đổi thay về mô hình kinh tế thì giải pháp phá giá đồng tiền này sẽ không có khả thi.
Trước những tranh cãi này, một quan chức cấp cao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, điều hành tỷ giá không phải cứ muốn tăng hay giảm tùy tiện cũng được mà phải hết sức thận trọng. Ông cho biết, đến nay Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng phải thừa nhận điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua rất hợp lý.
Theo ông, hiện nay có nhiều quan điểm cho rằng 2013 Việt Nam nên “phá giá tiền đồng” để hỗ trợ xuất khẩu nhưng điều này là không nên. Bởi lẽ, hiện nay doanh số hàng xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là các mặt hàng có nguyên phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài, chưa kể có nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng phải nhập khẩu mà sản xuất trong nước chưa đủ sức thay thế.
Do đó, ông cho rằng phần lớn hàng hóa nhập khẩu là phục vụ cho hoạt động sản xuất trong nước và xuất khẩu. Nếu phá giá tiền đồng sẽ làm giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng, nhập siêu có thể trầm trọng trở lại như trước, trong khi cái lợi để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ hơn rất nhiều so với phần bị thiệt hại. Chưa kể, theo vị quan chức này, việc phá giá tiền đồng khả năng còn khiến tâm lý kỳ vọng tỷ giá tăng của người dân thêm trầm trọng - một yếu tố được coi rất nguy hiểm trong điều hành bình ổn tỷ giá.
Vị này cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trên thị trường và thấy đang rất ổn định. Từ đầu tuần đến nay, cao điểm có ngày cơ quan này mua ròng tới gần 300 triệu USD. "Dự trữ ngoại hối chắc chắn tiếp tục tăng lên đáng kể, sau khi đã tăng hơn gấp đôi trong năm ngoái", ông nói.
Thanh Lan - Lệ Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét