Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Nghịch lý ‘quốc sách hàng đầu’

Nghịch lý ‘quốc sách hàng đầu’
Trong bảy đặc điểm của nghề dạy học mà Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng từng đúc kết cách đây ít lâu, đặc điểm đầu tiên chính là nghèo về tiền bạc. Đúng vậy, xưa nay nghề dạy học vốn thanh đạm, ít ai giàu có.
Nhưng để đội ngũ nhà giáo cả triệu người không sống được bằng lương, thậm chí có tới 40% giáo viên nếu được chọn lại nghề sẽ không chọn nghiệp nhà giáo (theo khảo sát của quỹ Hòa Bình) thì quả là bất bình thường và đáng báo động.
Trả lời phỏng vấn Tiền Phong dịp 20-11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận: “Tôi tin số liệu đó phản ánh đúng thực tế. Ít nhất cũng phải đến 40% giáo viên không yên tâm với nghề, đó là một sự thật đau lòng. Người ta hay nói tới yếu tố lương thấp để lý giải thực tế này. Từ vấn đề lương nảy sinh nhiều hệ lụy tiêu cực”.
Sinh thời Bác Hồ từng coi người thầy là những anh hùng vô danh. Người dạy “vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, hiện nay Giáo dục và Đào tạo vẫn luôn được Đảng và Nhà nước khẳng định là quốc sách hàng đầu.
Ấy vậy mà đã quá nhiều cái Tết cổ truyền dân tộc trôi qua, tình cảnh đáng chạnh lòng, ngậm ngùi theo kiểu “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” vẫn liên tục xảy ra đối với các đa số các nhà giáo.
Trong khi lương thưởng Tết các ngành nghề thời thượng khác được công bố hàng chục, hàng trăm triệu thì thưởng Tết cho giáo viên chỉ vài trăm ngàn đến 1 triệu, có nơi chỉ nhõn chai nước mắm với gói mỳ chính, thậm chí không có gì.
Hãy cùng lắng nghe và suy ngẫm tâm sự của một cô giáo dạy THCS ở huyện Thanh Ba, Phú Thọ những ngày giáp Tết này : “Tết buồn lắm! Chẳng có tiền thưởng hay bất kỳ chế độ gì. Chỉ có mỗi khoản 50.000 đồng/ giáo viên trích từ quỹ công đoàn, mà tiền quỹ công đoàn cũng là tiền mình đóng góp hàng tháng”.

Đất nước ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, “không thầy đố mày làm nên”. Cả xã hội đều mặc nhiên thừa nhận vai trò tối quan trọng của những người thầy, sự nghiệp giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu trong Nghị quyết của Đảng.

Song đáng buồn thay, lương thưởng dành cho nghề giáo cao quý lại đang ở mức thấp nhất trong các ngành nghề. GS TS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng lương thưởng giáo viên từ nhiều năm nay rơi vào một vòng luẩn quẩn: “Sau nghị quyết T.Ư 2, giáo viên được xếp ngạch lương cao nhất. Nhưng về sau, các ngành khác tiếp tục đấu tranh nên họ tiếp tục được điều chỉnh lương, thành thử lương giáo viên lại trở về mức thấp so với các ngành khác”.

Xin đừng để nghề “trồng người” cao quý, đừng để những người đang ngày đêm thực thi “quốc sách hàng đầu” cứ tiếp tục phải chạnh lòng mỗi độ Tết đến xuân về, cứ phải vật lộn với đồng lương không đủ sống.

theo Tiền Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét