Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

“Kẻ thuyết giáo” tuyệt vời nhất


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
(ĐTCK) Trong bài viết ngắn này, tôi muốn kể cho mọi người một câu chuyện. Đó là câu chuyện về phở. Cụ thể hơn là quán phở gà ở phố Nam Ngư, Hà Nội.
Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, đi ăn phở gà Nam Ngư đối với không ít người là một sự kiện. Còn nhớ, một lần nhà thơ Nguyễn Duy ở Sài Gòn ra chơi, nhà thơ Phạm Tiến Duật có một quyết định long trọng là mời Nguyễn Duy ăn phở gà Nam Ngư. Hồi đó, khi nói về ẩm thực Hà Nội, những người sành ăn hay nói đến quán phở này với nhiều thêu dệt. Tôi vẫn nhớ quán phở gà này với cụ bà chủ quán phong thái rất Tràng An và trên tường quán phở có treo rất nhiều trang báo nước ngoài viết về phở gà Nam Ngư. Các hãng thông tấn quốc tế lớn thời đó đến Việt Nam như CBS, CNN…, trên mũ, áo và máy quay của các phóng viên có in quảng cáo phở gà Nam Ngư. Đây thực sự là một niềm tự hào lớn cho phở gà Nam Ngư và cả người Hà Nội. Họ quảng cáo vì mê món phở gà thật sự. Nếu không, phở gà Nam Ngư bán cả nhà chưa chắc đã đủ chi cho quảng cáo trên CBS, CNN...
Nhưng từ khi cụ bà, chủ quán phở gà Nam Ngư mất, các cô con gái bà cai quản quán phở. Họ đã từng ngày một giết chết thương hiệu mà bà mẹ họ, người chủ đầu tiên của phở gà Nam Ngư, đã dày công làm nên. Chỉ ít năm sau đó, không ai còn háo hức đến ăn phở gà Nam Ngư nữa. Thương hiệu phở gà Nam Ngư bây giờ người Hà Thành chắc chả ai nhớ đến. Nhiều lúc nhớ hương vị phở gà Nam Ngư trước kia, tôi vẫn mò đến ăn, nhưng để rồi hoàn toàn thất vọng!

Tôi tin chắc cụ bà đã truyền lại tất cả bí quyết nấu món phở gà đó cho các con mình. Các con bà không thể quên được, vì đó chắc chẳng phải thứ công thức toán học gì đó quá cầu kỳ, phức tạp. Nhưng có một điều “cốt tử” mà các cô con gái bà đã quên, đó là lòng đắm mê làm nghề và lòng tự trọng về sản phẩm mình làm ra.

Họ cứ nghĩ đã có một thương hiệu quá lớn, quá mạnh, từng khuất phục cả những người nước ngoài đến Việt Nam thì cứ việc ngồi đó mà hưởng thụ. Họ đã nhầm. Thương hiệu cũng là một sinh thể sống. Nó phải được chăm sóc và “nuôi dạy”…





Sự vinh quang và cái chết của quán phở gà Nam Ngư chính là hình ảnh thu nhỏ của một tập đoàn kinh tế và có thể nói cũng là hình ảnh của một nền kinh tế. Bất cứ một công ty hay một tập đoàn kinh tế nào cũng có sản phẩm cụ thể, dịch vụ cụ thể. Sản phẩm chính là “nhà truyền giáo” quan trọng nhất của công ty hay tập đoàn đó. Ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng phát triển quá rộng khắp, quảng cáo hay PR đã đạt đến trình độ siêu đẳng. Vì thế, một thông tin về công ty này hay tập đoàn nọ chỉ sau một đêm có thể đến với xã hội. Nhưng những thông tin mà chúng ta gọi là quảng cáo hay PR đang dần dần mất đi sức mạnh ban đầu của nó.

Chúng ta luôn là “ông chủ, bà chủ” sản sinh ra các sản phẩm của mình và là “người tiêu dùng” các sản phẩm của người khác. Với tư cách người tiêu dùng, tôi xin các ông chủ, các bà chủ nhớ rằng, quảng cáo và PR trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ có tác dụng chỉ đường, dẫn lối cho khách hàng lần đầu. Còn sau đó, sự lôi cuốn bền vững thuộc về sứ mệnh của sản phẩm. Khi một khách hàng dùng sản phẩm tốt, anh ta (chị ta) sẽ trở thành kẻ truyền tin không công cho nhà sản xuất. Cũng như sản phẩm, khách hàng giống như “kẻ thuyết giáo” tuyệt vời nhất về sản phẩm của chúng ta cho một người bên cạnh khi họ cùng nhau ngồi uống café, khi dự tiệc, khi đi cùng một chuyến máy bay… và người đó lại truyền cho người khác, một người khác nữa. Cứ như thế, hiệu ứng dây chuyền sẽ lan rộng… Trên thực tế, những “lời quảng cáo” giữa bạn bè, người thân khi trà dư tửu hậu là những lời quảng cáo tốt nhất mà không một chuyên gia hay nhân viên maketing nào có thể làm được.

Ở Việt Nam, câu chuyện thường thấy là DN quảng cáo hay PR cho sản phẩm của mình với việc trưng ra những huy chương vàng hội chợ này, huy chương bạc hội chợ nọ. Xin thưa với các ông chủ bà chủ: những huy chương này với người tiêu dùng Việt Nam ngày nay hầu như chẳng có mấy tác dụng và đôi khi trở thành phản tác dụng. Bởi thực tế, khách hàng đã nhận ra rằng, khoảng cách giữa các huy chương hay bằng khen hội chợ… với chất lượng của sản phẩm là quá xa. Đã vài lần tôi “tiên tri” về “cái chết” của vài sản phẩm, dịch vụ do những người quen biết làm ra, trong đó có cả những DN rất lớn. Và sau dăm bảy năm, “lời tiên tri” đó hầu như đều trở thành sự thật. Câu chuyện đó nói lên điều gì? Không phải vì tôi có khả năng tiên tri, mà bởi tôi biết rất rõ rằng, chất lượng những sản phẩm, dịch vụ ấy so với những lời hay ý đẹp được “hát ca” hàng ngày là một trời, một vực. Như một lẽ tự nhiên, những lời không thật chỉ ru ngủ người ta được một vài lần.

Sản phẩm gì cũng cần cho người tiêu dùng nếu nó thực sự là một sản phẩm của sự trung thực. Khi chúng ta không trung thực với sản phẩm của mình thì chúng ta không bao giờ kiếm tìm được lòng trung thành của khách hàng. Ở khu phố chúng tôi, hầu hết gia đình hàng tháng vẫn đợi chờ một người bán gạo quê đi qua. Sản phẩm của “doanh nhân” ấy đã khiến cho những gia đình ở khu phố của tôi trung thành từ nhiều năm nay mà không cần một lời quảng cáo hay thương hiệu. Hay nói cách khác, chị không có khả năng và không có công nghệ quảng cáo hay PR cho sản phẩm của mình. Sự trung thực của chị khi giới thiệu và bán sản phẩm đã xây dựng một lòng tin vững chắc trong lòng khách hàng. Những người ở khu phố tôi khi nói chuyện với những người quen ở các khu phố khác đã nói về sản phẩm của chị. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, số người biết đến càng ngày càng đông. Bây giờ, chị có lượng khách hàng rất đông và không còn phải gánh hai thúng gạo đi bán rong như trước kia nữa. Khách hàng gọi điện và chị cho người mang sản phẩm đến cho họ. Từ một người bán hàng rong, chị đã trở thành một bà chủ. Cho dù chỉ là một bà chủ nhỏ, nhưng cách làm ăn của người bán gạo đã chỉ cho những ai muốn khởi nghiệp kinh doanh một con đường đi đến thành công. Một con đường ghi dấu ấn thương hiệu rất đơn giản, nhưng lại quá nhiều doanh nhân không bao giờ nhận ra.

Có lẽ chưa bao giờ, các công ty, các tập đoàn kinh tế Việt Nam lại rơi vào những thách thức“ tàn khốc” như bây giờ. Nhiều người “đổ” tại khủng hoảng quốc tế gây nên nào là chất đống hàng tồn kho, làm yếu dòng tín dụng, ngăn chặn luồng vốn đầu tư… vân vân và vân vân… Nhưng ‘tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nếu ta không coi cái ngần ngại của người là lỗi của ta thì người chẳng bao giờ keo sơn với ta trong cả gian khó hay tốt đẹp… Có lẽ thách thức lớn nhất và dai dẳng nhất đối với các DN hiện nay là sự trung thực với khách hàng, với xã hội và với đồng nghiệp. Ông cha ta từng dạy con cháu là con đường của sự dối trá luôn luôn là một con đường cụt. Có không ít công ty hay tập đoàn đã thành công mỹ mãn với sản phẩm của họ trong lần đầu tiên do hệ thống và công nghệ quảng cáo, PR khổng lồ. Nếu sản phẩm của họ tương đương với những gì họ quảng cáo hay PR thì con đường của họ sẽ mở rộng khôn cùng. Nhưng cũng có những sản phẩm ra đời một hai lần đầu thật sự chất lượng. Và khi thấy khách hàng mến mộ sản phẩm đó thì trò tháu cáy của những ông chủ, bà chủ những sản phẩm đó bắt đầu lộ diện. Sự lộ diện của những trò tháu cáy đó chính là cái thở hắt ra đầu tiên báo hiệu cái chết của sản phẩm đó. Những sản phẩm của sự trung thực (bao gồm các đặc tính như chất lượng, trách nhiệm, lòng tự trọng, ý thức vì người tiêu dùng…) có thể có những khó khăn ban đầu, nhưng đó chính là sức mạnh duy nhất cho sản phẩm đó đi được đường dài.

Vì vậy, biết đâu trong thời điểm khó khăn này lại là mốc khởi đầu một tư tưởng kinh doanh mới, một lớp doanh nhân mới, một cách xây dựng thương hiệu mới! Thương hiệu được “đóng dấu chứng nhận” bởi nhân dân.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam
http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJAEJE/ke-thuyet-giao--tuyet-voi-nhat.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét