Thứ Năm, 14 tháng 2, 2013

CHUYỆN NGƯỜI TA ĂN TẾT



Việt Nhân (HNPĐ) Chuyện người nghèo trốn Tết là chuyện vẫn thường nghe, không tiền ăn tết trốn luôn không cả về quê dù trong lòng nhớ lắm, cái tiền đã túng khiến cái đầu phải tính và cái lòng phải chịu, thôi không về thì bao nhiêu tiền gom hết gửi về quê, đỡ được tiền xe, ở lại làm thêm ít ngày rồi cũng qua. Đó là lời một chị người xứ Nghệ, gửi con cho ông bà mà hai vợ chồng vào Saigon kiếm cơm, chị bán hàng rong, ngày Tết nhớ con chị khóc, còn anh làm nghề đấm bóp giác hơi cố làm vui lòng khách, mót dành dụm từng đồng tiền nhỏ nhoi cùng vợ gửi về cho con. Cổ tết cúng của anh chị là những bánh ú bánh tét chị bán không hết ngày cuối năm đặt bên bát nhang cùng nhánh bông vạn thọ - Trong bức tranh mùa xuân đây là những chấm đen đã bị những mảng màu sắc sặc sỡ cố tình che lấp.Kẻ nghèo như vợ chồng anh chị quê Nghệ Tỉnh vẫn còn là may, còn cố bươn chải được cho con có thêm chén cơm tấm áo, bên cạnh có những người còn kém may mắn hơn, những người không may bệnh tật, bệnh đâu chừa cho những ngày đầu năm, “đi viện đã khổ nhưng người nghèo ăn Tết ở viện còn cám cảnh hơn nhiều. Năm hết Tết đến, cả người bệnh lẫn người nhà lặng lẽ trong những căn buồng sực mùi thuốc mà rơi nước mắt tủi phận nghèo...” bài viết kèm theo ảnh người ta nằm la liệt dưới sàn nơi hành lang bệnh viện, hay người nhà nằm dưới gầm giường con bệnh. Biết nói sao cho hết cái tận cùng của khổ đau, nhưng bên cạnh tưởng chừng chỉ là chốn địa ngục, bể trầm luân của những mảnh đời khốn nạn, thì vẫn có những kẻ đang bay bổng trong thiên đường của họ.

Biết rằng xã hội luôn là những gì đối chọi, cứ hai người trở lên là có người hơn kẻ kém người giàu kẻ nghèo, nhưng cái cách biệt quá lớn khiến cho ta phải đắng lòng khi để chúng gần bên, và thấy rõ được cái man rợ của một xã hội bày đàn, vô cảm và thiếu tính người. Năm nay, gia đình một đại gia kinh doanh bất động sản ngụ tại Phú Mỹ Hưng không ăn tết trong nước, mà đã chọn tour du lịch Dubai để thể hiện đẳng cấp giàu có qua cách xài tiền của mình. Và để đón tết theo lối trọc phú mà toàn gia đình dành ra một ngày để trải nghiệm tại khách sạn siêu sang 7 sao dát vàng Burj al-Arab với giá 3.500 đô một đêm, chỉ tính tiền chi phí du lịch không thôi đại gia này tốn khoảng 500 triệu.

Đấy là cái đi cái chơi, còn cái uống thì chủ một công ty cổ phần ở Mỹ Đình, Hà Nội, hợm mình kể Tết này đã đặt mua nhiều thùng rượu dát vàng, mỗi thùng loại rẽ chí ít cũng phải giá là 25 triệu để tặng khách hàng VIP, và dành riêng cho mình cùng bạn bè hai thùng. Đây lại cho thấy cái chơi của thứ người giàu mới không văn hóa trong xã hội, vàng là thứ kim loại khoa học cho biết cơ thể không tiêu hóa được nhưng rượu dát vàng vẫn thể hiện đẳng cấp sang trọng của người uống (?). Bài báo nói ngày nay đã là đại gia là phải uống những chai rượu ngoại có lung linh những miếng vàng lá, vậy phải gọi là đại ngu mới đúng, vàng hoàn toàn không có tác dụng về y tế, thẩm mỹ hay sức khỏe, nên một khi ăn hay uống vào cơ thể vàng sẽ bị bài tiết ra ngoài.

Những kẻ phú quí đã có thú đi chợ ngoại từ lâu, gần thôi chỉ Thái Lan Singapore bằng máy bay mỗi tháng đôi ba lần mua thức ăn, họ là giai cấp quí tộc dị ứng với những gì nuôi trồng trong nước, chứ đừng nói chi thứ độc hại từ TQ nhập sang. Chuyện chống hàng hóa độc hại họ không quan tâm, không can hệ gì tới họ, vì họ sống trong ốc đảo riêng của giới họ, cũng lại báo mạng đưa tin, thực phẩm TQ đã bị người dân tiêu thụ tẩy chay. Từ mấy tháng nay, lượng hàng TQ về chợ đầu mối thành phố cáng ngày càng giảm, vào lúc cận Tết đã giảm gần phân nửa, không tiêu thụ được ở nội thành, hàng độc hại trôi dạt về chợ vùng ven ngoại ô, chợ lề đường, các người buôn gánh bán bưng hàng rong. Đó là bánh trái đổ đống bán quanh năm, người mua vẫn là giới lao động nghèo ít tiền!

Như vậy cảnh báo sự độc hại của hàng hóa TQ đã có kết quả, người tiêu dùng ít nhiều đã biết và tẩy chay nhất là dịp buôn bán trong những ngày tết như vừa qua, hàng năm trước đây mức tiêu thụ hàng bánh mức TQ rất là cao nay không còn được như vậy nữa, đó là điều đáng mừng. Nhưng cũng là cái để ta thấy sự bất công của xã hội quá rõ rệt, cuối cùng chỉ chết người nghèo mà số này lại là số đông, người quí tộc tư bản đỏ đi chợ bằng máy bay ăn thực phẩm sạch, nghèo thì tuy biết đồ độc hại nhưng không tiền đành chịu.

Khi hỏi tiền đâu các ngài giàu nhanh như thế chỉ là để hỏi đùa, vì ai mà chả biết, ngày nào các cậu các mợ lạ lẫm với cả cái băng vệ sinh phụ nữ, với cái nồi ngồi trên cái cốc, nay lột xác làm tư bản đỏ thì cậu uống rượu phải có những lá vàng lung linh trong đó, còn mợ đắp mặt bằng vàng để làm đẹp. Nay hãy nghe mợ nói về chuyến du lịch của mợ “cậu con trai cả nhà mình rất mê thời trang của Ý nên xin mẹ qua đó thế nào cũng phải kiếm được vài bộ quần áo, hoặc đôi giày độc về khoe với bạn bè. Còn cậu con trai thứ hai mê bóng đá, nằng nặc đòi sang Hà Lan phải kiếm được đồ lưu niệm hoặc chiếc áo có chữ ký cầu thủ mà nó thích. Mấy chị em trong nhà nghiện nước hoa Pháp nên gửi tiền dặn dò kiểu gì cũng cố mua bằng được. Tính sơ sơ phải cầm thêm tối thiểu 10.000 đô để thỏa mãn các nhu cầu đó...”
....
Nhà nghèo mùng ba hóa vàng, hai anh chị vợ gánh hàng rong, chồng đạp xe tẩm quất dạo, chắc qua rồi nỗi nhớ con, đã bình thường lại cuộc sống, cái khổ sẽ còn cứ thế mà chồng chất lên cuộc đời khốn nạn của họ. Hết tết các bác sĩ y tá sau những ngày vui đậm họ trở lại làm việc, và họ lại cần những phong bao phong bì “nặng”, để phục hồi các khoản tài chánh cá nhân do vui chơi mà thâm hụt - Vậy tội nhất vẫn là những bệnh nhân đang nằm la liệt trên hành lang các bệnh viện thành phố đã nghèo lại phải gánh thêm phong bao phong bì.

Việt Nhân (HNPĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét