Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2013

Ban Chỉ đạo TW không chống được tham nhũng thì không cơ quan nào có thể...

Việc loại bỏ một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái, biến chất là thử thách cuối cùng, “nếu cơ quan phòng chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư mà còn không làm được việc này thì không cơ quan nào có thể chống tham nhũng được nữa…”

Đó là tâm sự của ông Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội - khi trả lời phỏng vấn báo Giáo dục Việt Nam. Ông cho rằng trước nay sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp như Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao với bên Đảng thiếu sự liên kết, nhịp nhàng, cho nên việc tập trung về một mối như thế này là điều hết sức cần thiết. Đảng sẽ tự ra Nghị quyết và Đảng tự thực hiện sẽ giảm thiểu tình trạng chồng lấn công tác, nhiệm vụ giữa các cơ quan chuyên môn.
Ông chỉ ra rằng Ban Nội chính với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư mà không chỉ đạo được cho Bộ 
Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tiến hành khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng cho ra ngô ra khoai thì Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mô hình mới cũng chẳng để làm gì. “Xử lý tham nhũng cũng như chặt cái dây leo, nếu chặt ở phía trên thì tự khác cái dây leo đó bị tụt xuống thôi.” Ông nêu ra ví dụ về những trường hợp như Vinashin, Vinalines là phải làm lại chứ không đơn thuần chỉ kiểm điểm dưới danh nghĩa thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ - nói: Bây giờ, nếu không có ai nhận trách nhiệm vụ Vinashin, Vinalines thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình coi như không thành công. Do đó, cần phải tiếp tục làm rõ, làm cho ra kết quả cụ thể, con người cụ thể. Nếu kiểm điểm mà không ra kết quả cụ thể hay chỉ để rút kinh nghiệm thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả (theo Vietnamnet).

Tuy nhiên, dù TS. Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội - cũng cho rằng nay đã phải dùng đến “thuốc đặc trị” rồi mà không chống được tham nhũng thì sẽ chẳng có cơ quan nào có thể làm được việc này nữa, nhưng ông lại không đồng tình với việc lật lại những vụ án gây thất thoát lớn cho Ngân sách như Vinashin và Vinalines!? Ông nói: Phải theo quy trình tố tụng, đã xử xong và khép lại rồi thì không lật lại, trừ khi là thấy có tình tiết mới, những người liên quan khác mà chưa xử lý.

Ông Thuận tin rằng “vừa đánh, vừa hô”, không chỉ kết nối các cơ quan chức năng mà còn vận động được sức dân sẽ tạo ra thế mạnh như chẻ tre chống lại tham nhũng như khi quân lính của Quang Trung thần tốc ra Bắc dẹp loạn vậy. Dù vậy, khi có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng theo mô hình mới, Tổng bí thư đã lưu ý đây không phải “cây đũa thần”, không thể có một tổ chức mà khi ra đời đã xử lý hết ngay được nạn tham nhũng mà cần có thời gian. Thực tế, Ban Chỉ đạo sẽ không đi vào từng vụ án cụ thể mà chỉ làm nhiệm vụ giám sát xử lý, điều phối, phối hợp, đôn đốc các ngành, các cấp, định hướng chỉ đạo đối với một số vụ trọng điểm, phức tạp…

Tổng Bí thư nhận định phòng, chống tham nhũng là công việc vô cùng hệ trọng song lại rất phức tạp vì liên quan đến lợi ích vật chất, tiền tài, danh vọng, liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, động chạm đến những người có chức, có quyền. Đây cũng là lý do “Đảng, Nhà nước ta đã làm nhiều lần, làm quyết liệt nhiều việc, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm”.

Một cơ quan phòng chống tham nhũng có lực lượng hùng hậu chưa từng có sẽ làm tốt công tác phòng và chống, chứ xoá bỏ hoàn toàn là rất khó, không nước nào làm được - Ông Thảo chia sẻ với Báo Giáo dục.
Tại hội nghị trực tuyến về việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 diễn ra tháng 10-11/2013, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - cho biết tháng 5 tới, Ủy ban sẽ tổ chức điều trần về việc phát hiện các hành vi tham nhũng với sự giải trình của bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán… Cũng tại buổi họp, ông phê bình các bộ ngành, địa phương hiện chưa thực sự cởi mở khi cung cấp thông tin và “thiết tha mong các bộ ngành khi chúng tôi đề nghị gửi báo cáo thì nhớ phúc đáp”. Ông cũng nhấn mạnh phải tăng cường trách nhiệm, chỉ rõ địa chỉ của từng cá nhân, từng tập thể chứ không nêu kết luận chung chung, bởi nếu thế “sẽ chỉ như đấm vào không khí”.

Thùy Dương
Tổng hợp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét