Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Tướng Phạm Tuân bật mí kế hoạch đánh úp B52


VnMedia) - “Trận đánh B52 của tôi rất nhanh, tiếp cận B52 chưa đầy một phút. Khi tiếp cận đằng sau B52 với tốc độ rất cao, 1.500 km/h so với tốc độ của B52 là 900 km/h nên đã vượt qua tất cả”, Trung tướng Phạm Tuân kể.
Vén màn bí mật "siêu" súng trường bắn rơi B52

Xung quanh thắng lợi lịch sử của Điện Biên Phủ trên không, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên Phi công đoàn Không quân Sao Đỏ Phạm Tuân đã có những chia sẻ thú vị về phương pháp đánh B52 của lực lượng không quân của ta thời bấy giờ tại buổi toạ đàm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không được tổ chức ngày 10/12 tại Hà Nội.- Là một trong những phi công đã có mặt ngay từ những ngày đầu chiến đấu với B.52 và đã từng nghiên cứu về loại máy bay này. Theo ông, B.52 có thực sự nguy hiểm?B52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa, cự ly bay hàng chục ngàn km, mang tới 30 tấn bom, xen kẽ bom tấn, bom tạ, bom bi, một tốp 3 chiếc B52 có thể san bằng diện tích 2km2. Vì vậy, B52 được dùng để ném bom chiến lược các mục tiêu diện rộng sân bay, thành phố, trung tâm chính trị, bến cảng và khi bị đánh thì hầu như các mục tiêu bị phá hủy. 


Bom tấn phá hầm ngầm, bom tạ phá hầm trú ẩn, bom bi sát thương người khi không còn chỗ trú ẩn. Ngoài ra, B.52 còn sử dụng cả tên lửa, đồng thời, được bảo vệ bởi các máy bay tiêm kích đánh vào trận địa tên lửa, ném bom các sân bay không cho tiêm kích của ta cất cánh.
- Bộ đội tên lửa có cẩm nang đánh B.52, vậy bộ đội Không quân của ta đã có sự chuẩn bị như thế nào để đánh B.52 ?
Cẩm nang đánh B52 là bên tên lửa tham gia nhiều trận đánh, đã rút ra những bài học, viết thành sách. Với không quân thì khó khăn hơn, ngoài ra B.52 được yểm trợ rất mạnh, lại bay ban đêm, gây nhiễu ra đa, gây nhiễu mục tiêu… ngoài ra, còn có tên lửa mồi, nếu chúng ta bắn tên lửa thì thả tên lửa mồi. Đằng sau, B.52 lại có súng phía đuôi.

Chưa kể B.52 được bảo vệ bằng các máy bay trong đội hình, bay chặn, đánh ngay vào mục tiêu. Không quân phải có sân bay, tránh được máy bay F4 bảo vệ B.52, để có thể nhanh chóng tiếp cận. Vì vậy, không quân phải tập bay ở những sân bay ngắn, mới làm ở các nông, lâm trường, tập bay thấp, bay cao để có thể tiếp cận nhanh được B.52.
- Một trong những khó khăn lớn nhất đối với bộ đội Không quân là khi đó, các sân bay chiến đấu của ta bị phá hủy rất nặng nề. Vậy bằng cách nào để máy bay ta có thể cất cánh trong mọi tình huống mà không bị địch phát hiện?
Những thời điểm như vậy thể hiện trí tuệ, sáng tạo của dân tộc, của không quân nhân dân Việt Nam. Chúng ta phải cất cánh trong những điều kiện khó khăn, và mệnh lệnh là khi B52 vào, phải cất cánh lên được để đánh. Điều này đòi hỏi ý chí, nhưng ý chí không đủ, ta phải sáng tạo. Ví dụ ta làm rất nhiều sân bay dự bị, hoặc cất cánh trên đường băng phụ.

Thậm chí, có khi chúng tôi đeo thêm 2 quả tên lửa bổ trợ, và khi máy bay đeo thêm phải cất cánh trên đường băng chỉ 200m so với đường băng 1km thông thường. Trong đêm đầu tiên, tôi xuất kích ngay sau khi F11 đánh sân bay nhưng vẫn cất cánh được. Sau 12h đêm địch đều đánh sân bay nhưng ta đều cất cánh được. Chúng ta dự đoán được những phức tạp, khó khăn của tình hình và khắc phục được. 


 Ảnh minh họa
Trung tướng Phạm Tuân k về thắng lợi của Điện Biên Phủ trên không năm 1972.

- Mỗi chiếc B.52 khi đi ném bom thì có đến hàng chục chiếc máy bay khác đi theo bảo vệ. Vậy phi công của ta bằng cách nào để có thể tiếp cận được với B.52?
Trong 12 ngày đêm, Mỹ sử dụng 193 B52 và hơn 1.000 máy bay chiến thuật, trung bình mỗi đêm đánh vào Hà Nội 50-70 lượt B52, cao điểm lên đến 100 lượt B52. Ngoài ra, mỗi đêm trung bình 300 lượt, cao điểm 450 máy bay chiến thuật đánh phá để yểm trợ.

Như vậy, bầu trời Hà Nội, mỗi đêm có 200 -300 máy bay, có thể thấy mức độ đánh phá dày đặc như thế nào. Lúc đó, chúng tôi không sợ bị bắn rơi nhưng mỗi nơi bị chậm đi một chút, mình không đuổi được B52. Ví dụ, địch đánh vào sân bay, mình chậm đi một chút, trên đường máy bay yểm trợ đuổi mình chậm thêm chút… Nếu chậm một phút, máy bay B52 có vận tốc 900 km/h thì đã bay được 15 km, thế làm sao mà mình đuổi được!

Vậy làm sao ta phải khắc phục được. Ở đây tôi lại nói về sự sáng tạo của bộ đội. Nga sản xuất máy bay và dạy chúng ta cách bay thế nào nhưng đối diện với thực tế bị nhiễu, rồi mảng mây nhiễu to như vậy rất khó biết B52 nằm ở chỗ nào, rất khó biết được chính xác.

Thế cho nên, phi công phải chủ động. Để vượt qua, thứ nhất, chúng ta cất cánh ở sân bay địch không ngờ tới để không bị chặn ở đầu đường băng. Thứ hai, khi lên trời, phi công phải nhanh chóng đi vào điều kiện thuận lợi, vậy chúng ta phải phán đoán F4 thường chặn chúng ta ở đâu, tầm cao nào để chúng ta tránh.

Nếu F4 bay ở độ cao 3 km thì chúng ta phải bay cao hơn, tốc độ hơn. Tất cả những kinh nghiệm đó để xây dựng thành phương án bay để tránh F4. Lên thấy F4 nhiều lắm, bên phải có, bên trái có. Bên dưới chỉ huy là vượt qua mà đi. Vậy vượt qua bằng cách nào?

Ở đây là bản lĩnh của phi công, phải phán đoán được tình huống như thế nào. Trận đánh B52 của tôi rất nhanh, tiếp cận B52 chưa đầy một phút. Khi tiếp cận đằng sau B52 với tốc độ rất cao, 1.500 km/h so với tốc độ của B52 là 900 km/h nên đã vượt qua tất cả.

Vượt qua phải bao gồm tất cả nỗ lực, từ tổ chức chỉ huy, sân bay cất cánh, dẫn đường, để có được điều kiện tốt nhất. Lúc đó, mệnh lệnh là không đánh F4, chúng ta vượt qua nó, dành tên lửa để đánh B52. Hiệp đồng với binh chủng tên lửa như thế nào, khi tên lửa bắn F4 chúng tôi tranh thủ để vượt qua. Rồi lựa chọn hướng vào tiếp cận B52 như thế nào. Tất cả tạo nên điều kiện thuận lợi nhất đánh B52. Tôi bắn B52 xong rồi mà F4 vẫn ở đằng sau nhưng không làm gì được.
- Thưa Trung tướng, khi nhìn thấy B52, ông có hồi hộp không?
Không chỉ hồi hộp mà còn lo. Tôi đã gặp B52 rồi, nhưng nếu sơ hở một chút, bật ra đa sớm thì F4 sẽ đuổi theo và bắn, B52 chạy mất. Lúc đó tôi chỉ sợ B52 chạy mất, còn F4 xung quanh rất nhiều, tôi báo về sở chỉ huy là F4 thì thông báo cho biết, còn mình chỉ hướng vào chiếc B52 phía trước, cố gắng làm sao để đạt tốc độ nhanh nhất, dù bay với tốc độ 1.600km/h mà vẫn thấy chậm vô cùng. Đến khi phóng được quả tên lửa đi mới thở phào nhẹ nhõm và lúc ấy thì mặc kệ F4 xung quanh, không còn lo lắng gì nữa.

- Xin cảm ơn Trung tướng!

Tùng Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét