Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Quá trình đàm phán Hiệp định Paris 1972 - nhìn từ phía Mỹ

05:38' 02/01/2003 (GMT+7)
Tài liệu ''Chiến tranh Việt Nam'' do các cựu chiến binh Mỹ soạn và đưa lên Internet, gồm 9 chương, phản ánh khá đầy đủ những diễn biến của một cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Theo chúng tôi, mặc dầu có quan điểm chưa chính xác và thiếu khách quan, như đánh giá về lực lượng của Chính phủ Cách mạng lâm thời, nhưng đây là một tài liệu có thể giúp chúng ta tham khảo về cách nhìn của người Mỹ trong quá trình thương lượng và thi hành Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp định Paris (1/1972 - 1/2002), Việt Nam Net xin trích dịch giới thiệu với độc giả chương 8 - ''Các cuộc thương lượng'' trong tài liệu này.

...

Tranh cãi quang hình dáng của chiếc bànSuốt trong một thời gian dài, các cuộc thương lượng chẳng đi đến đâu. Đơn giản chỉ là các cuộc cãi vã xung quanh chuyện hình dáng chiếc bàn họp. Phía Mỹ muốn họ và chính quyền Sài Gòn ngồi một bên, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngồi một bên. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muốn có 4 bên: 1. Mỹ; 2.Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn); 3. Việt Nam Dân chủ cộng hòa và 4. Chính phủ cách mạng lâm thời (CPCMLT).
Nhiều người đã chỉ trích rằng đó chỉ là một trò vớ vẩn, rằng các nhà ngoại giao chỉ tốn thời gian cho những trò vô bổ. Họ đã lầm: Cuộc tranh luận về hình dáng chiếc bàn thật ra là chuyện hoàn toàn hợp lý.

Phía Mỹ muốn một giải pháp hòa bình, theo đó chính quyền Sài Gòn sẽ kiểm soát được hoàn toàn miền Nam Việt Nam. Nếu xảy ra khả năng này, CPCMLT và những cán bộ Cộng sản nòng cốt của CPCMLT sẽ ''biến khỏi mặt đất''. Điều mà Mỹ muốn chính là một hiệp định mà khi thực hiện, Bắc Việt sẽ phải bỏ rơi những người đồng chí miền Nam của họ. CPCMLT chắc hẳn không chấp nhận một hiệp định như vậy. Vì vậy, chừng nào Bắc Việt vẫn yêu cầu CPCMLT phải có một đoàn riêng tại hội nghị và có thể tự phát ngôn, và không muốn bị ghép vào thành một đoàn Cộng sản hỗn hợp trong đó Bắc Việt là người phát ngôn, thì chừng đó vẫn thấy rõ là Bắc Việt không sẵn sàng ký một hiệp định có thể thỏa mãn ý định của Mỹ. Còn phía Mỹ nếu không muốn thấy có một đoàn Cộng sản miền Nam Việt Nam riêng rẽ tại hội nghị thì cũng chứng tỏ họ không muốn ký bất cứ một hiệp định nào kiểu như vậy. Chuyện bàn cãi về hình dáng cái bàn vì vậy không phải hoàn toàn vô nghĩa. Cuối cùng một phương án thỏa hiệp đã được thông qua: sẽ dùng một chiếc bàn tròn lớn và hai bàn chữ nhật nhỏ, được bố trí sao cho Hoa Kỳ có thể giải thích rằng đó là một cuộc thương lượng của hai phía, đồng thời những người Cộng sản lại có thể giải thích rằng đó là cuộc thương lượng bốn bên.
Tuy nhiên, vấn đề chính lại nằm ở chỗ, chẳng có lấy một khả năng thực tế nào để thỏa hiệp. Cả hai bên đều nói về giải pháp chính trị đem lại hòa bình, nhưng trên thực tế, những người Cộng sản và chính quyền Sài Gòn không bao giờ có thể chung sống hòa bình trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam: cả hai phía sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm tiêu diệt nhau cho đến khi một trong hai bên đạt được mục đích của mình.

Từ năm 1968 đến 1971, cán cân lực lượng chuyển sang có lợi cho phía Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa. Vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn mở rộng dần. Nhiều cán bộ Cộng sản bị bắt hoặc bị giết bởi chương trình ''Phượng Hoàng''.

Mỹ bối rối

Mặc dù Việt cộng bị suy yếu nghiêm trọng nhưng thiệt hại của các lực lượng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại không lớn, trong khi đó, làn sóng phản đối chiến tranh ngày càng tăng lên trong lòng nước Mỹ buộc chính quyền phải cho rút ngày càng nhiều quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Tệ hơn nữa, trạng thái tinh thần và sức chiến đấu của các đơn vị quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam ngày càng sa sút nghiêm trọng. Những câu chuyện về lính Mỹ nghiện hút, thỉnh thoảng còn giết cả sĩ quan chỉ huy càng làm cho sự nhiệt tình của người Mỹ suy giảm. Cuộc chiến tranh mất sự ủng hộ của dân chúng đến lượt nó lại trở thành nguyên nhân dẫn đến sự nhụt chí của các đơn vị chiến đấu. Cho đến trước mùa xuân 1972, quân Mỹ đã hầu như không tham chiến trên bộ. Nhưng rồi vào thời điểm Lễ Phục sinh 1972, những người Cộng sản đã tiến hành một chiến dịch tiến công lớn. Với sự yểm trợ của không quân Mỹ, chính quyền Sài Gòn đã ngăn chặn được cuộc tấn công đó nhưng bản thân cũng bị suy yếu đáng kể. Công bằng mà nói, vào năm 1972, thậm chí ngay từ năm 1971, khi số trận đánh do quân Mỹ thực hiện giảm xuống gần bằng không, lực lượng của CPCMLT đã không còn suy yếu nữa và đã bắt đầu lớn mạnh trở lại. Cán cân lực lượng không còn nghiêng về phía nào trong vấn đề giải quyết mục tiêu cơ bản của chiến tranh: Ai sẽ kiểm soát miền Nam Việt Nam? Và như trên đã nhận xét, trong vấn đề này không hề có sự thỏa hiệp thực sự nào.

Mặc dù vậy, những thiệt hại ghê gớm mà các bên chủ chốt tham chiến phải gánh chịu, cộng với sức ép chính trị ngày càng tăng lên đòi hỏi phải có một giải pháp nào đó. Cuối cùng vào tháng 1/1973, cuộc thương lượng ở Paris đã đi đến một hiệp định kiểu như vậy. Dưới đây là một số điều khoản chính của Hiệp định Hòa bình Paris:
1. Ngừng bắn tại chỗ, cả hai phía chấm dứt nổ súng. Cho đến khi đạt được giải pháp chính trị cuối cùng, hai bên kiểm soát phần lãnh thổ mà họ đã kiểm soát cho đến trước thời điểm Hiệp định có hiệu lực.
2. Thả tất cả tù binh chiến tranh.
3. Mỹ rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Việt Nam cùng phương tiện trang bị.
4. Bắc Việt Nam chấm dứt chuyển người và phương tiện vào miền Nam Việt Nam qua Lào và Campuchia.
5. Tương lai miền Nam Việt Nam sẽ được giải quyết một cách hòa bình bằng các phương tiện chính trị.

Về một phương diện nào đó, Hiệp định này quả là chuyện đùa vì chẳng có bên nào có ý định thực hiện. Nó không giải quyết vấn đề cuối cùng ai sẽ là người kiểm soát miền Nam Việt Nam. Nó để ngỏ điều đó cho quá trình thực hiện giải pháp chính trị trong tương lai.

Đối với Hà Nội và CPCMLT, Hiệp định Paris là một cơ hội. Về quân sự, nó có lợi nhiều cho họ: nó yêu cầu Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam nhưng không yêu cầu quân đội Bắc Việt Nam cũng phải làm như vậy. Về chính trị nó cũng có vẻ tốt hơn đối với họ. Mức độ ủng hộ của dân chúng đối với họ khá lớn, họ lại có sự đoàn kết nội bộ tốt hơn và có đội ngũ cán bộ tổ chức tốt hơn các lực lượng chống cộng. Thậm chí nếu họ không phát huy được lợi thế đó mà đánh mất khả năng cạnh tranh chính trị một cách hoà bình thì họ vẫn luôn có thể trở lại cầm súng tiếp tục chiến đấu. Nói tóm lại, các điều khoản của Hiệp định Paris kêu gọi lập lại quá trình chính trị bình thường đã không làm tổn hại tới Cộng sản, thậm chí có thể còn rất có lợi cho họ. Họ tỏ ra rất phấn chấn vì các điều khoản của Hiệp định Paris.
Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, tướng Thiệu tỏ ra rất lo sợ về điều khoản này đã miễn cưỡng ký Hiệp định. Ông ta không có đủ tự tin về khả năng sống sót trong cuộc cạnh tranh chính trị hòa bình ở miền Nam Việt Nam. Kỹ năng chính trị của ông ta không phải là siêu việt gì và ông ta lại không được đông đảo công chúng ủng hộ, thậm chí ngay trong hàng ngũ những người chống Cộng. Một cuộc bầu cử thực sự tự do sẽ tạo cơ hội tuyệt vời cho Cộng sản lôi kéo các phe nhóm ở Sài Gòn chống lại nhau. Nếu cuộc bầu cử thật sự tự do diễn ra, Cộng sản có thể không giành được đa số ủng hộ, nhưng Thiệu cũng không có cơ hội. Và nếu thua trong đấu tranh chính trị hòa bình, rồi tiếp tục cuộc chiến, vị trí của Thiệu sẽ còn suy yếu nghiêm trọng hơn do các cuộc cãi vã giữa các phe phái chống Cộng sẽ gay gắt hơn.

Mặt khác, Thiệu không thể chiến đấu với Cộng sản trên chiến trường nếu không được Mỹ trợ giúp. Quan điểm của Thiệu là: tốt nhất hãy nhanh chóng hủy bỏ Hiệp định và Mỹ quay trở lại Việt Nam.

Không còn chỗ cho người Mỹ

Điều mà nước Mỹ đạt được từ Hiệp định này là có thể bỏ được chiến tranh Việt Nam. Các đơn vị quân Mỹ rút về nước, sự thiệt hại về người sẽ chấm dứt, tất cả tù binh được trả về. Mỹ chỉ duy trì ảnh hưởng hạn chế đến tiến trình các sự kiện diễn ra ở Việt Nam. Khi Mỹ rút, thực trạng mà họ để lại là lực lượng kết hợp của Cộng sản Việt Nam (cả miền Bắc, cả miền Nam) trở nên mạnh hơn đáng kể so với chính quyền Sài Gòn. Vào thời điểm ký Hiệp định, Tổng thống Mỹ R. Nixon vẫn hy vọng có thể dùng con bài ''Mỹ có thể quay lại tham chiến'' để đe dọa Cộng sản không được sử dụng ưu thế đó của mình, nhưng sự sụp đổ và mất chức mấy tháng sau đó của ông ta đã làm cho lời răn đe ấy chẳng còn độ tin cậy nào.
Kết cục, khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, tình hình diễn biến như sau: Hầu như tất cả nhân viên quân sự Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, một số mặc áo dân sự còn ở lại nhưng không còn tham chiến. Mặc dầu vậy, thay vì phải rút hết trang bị, vũ khí, quân đội Mỹ đã để lại phần lớn cho chính quyền Sài Gòn, sau đó giải thích rằng số vũ khí này đã không còn thuộc về Mỹ nữa và Hiệp định Paris không yêu cầu Mỹ phải đem theo khi rút khỏi miền Nam Việt Nam.
Về phía Cộng sản, Hà Nội đã làm ngơ yêu cầu không được chuyển người và trang bị vào miền Nam Việt Nam qua ngả Lào và Campuchia. Trái lại, đến năm 1974, họ còn gia tăng đáng kể việc vận chuyển lên mức chưa từng có trước đó.
Không có ngày nào không xảy ra nổ súng. Trong vài tháng đầu, phần lớn các trận đánh là do quân lực Việt Nam Cộng hòa gây ra vì họ muốn chiếm thêm càng nhiều lãnh thổ càng tốt trước khi Cộng sản có thể tái tổ chức được lực lượng. Quá trình thực hiện giải pháp chính trị về tương lai của miền Nam Việt Nam mà Hiệp định Paris nhấn mạnh đã bị chính quyền Thiệu phong tỏa từ Sài Gòn.
...

  • Dương Thành (lược dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét