Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Người Việt Nam 'vô cảm", đúng hay sai?


VnMedia)- Theo thống kê của một cuộc khảo sát độc lập, Việt Nam đứng thứ 13/150 quốc gia “vô cảm” nhất, nhưng lại là nước hạnh phúc thứ hai trên thế giới. Người Việt Nam đang “vô cảm” vì học được sống bình yên, hạnh phúc, được hưởng thụ và cống hiến…

Giật mình với danh sách những quốc gia “vô cảm”

Theo bảng xếp hạng của hãng khảo sát quốc tế Gallup, Việt Nam là nước đứng thứ 13 trong số các quốc gia ít cảm xúc nhất, chỉ sau các nước như Nepal, Ukraina, Nga và Mông Cổ. Theo đó, chỉ có 40% người dân Việt Nam cho biết họ trải qua tất cả các cung bậc cảm xúc trong một ngày. Cung bậc cảm xúc được đưa ra làm tiêu chí đánh giá ở đây là những câu hỏi đo độ hạnh phúc, ví dụ như hôm qua họ có cười hay không, họ có học hỏi được điều gì đó thú vị hay cảm thấy được tôn trọng hoặc được thư thái không?

Singapore là nước đứng đầu trong danh sách khảo sát này. Nhưng, có một số liệu khác cũng cần được viện dẫn ra đây là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế còn gian nan đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao thì năm 2011 Singapore lại được ghi nhận mức thất nghiệp thấp nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.
Số liệu từ Bộ Nhân lực Singapore cho thấy, ở khu vực thành thị, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3% trong suốt năm 2011. Trong năm 2011, có 60.600 người dân (trong đó có 52.900 công dân thành thị) Singapore bị mất việc làm. Con số này năm 2010 là 64.800 người (trong đó có 57.700 công dân thành thị).

Thu nhập bình quân của người dân Singapore tăng trung bình 2,5% một năm trong 5 năm qua. Thậm chí những người ở nhóm thu nhập thấp cũng nhận thấy thu nhập của họ thực sự tăng ở mức 2,2% một năm.

Còn Việt Nam, theo Báo cáo Lương Toàn cầu 2012/2013 được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố ngày 7/12 tại Thụy Sỹ, Việt Nam đạt mức tăng trưởng lương cao trong khi mức tăng trưởng lương trên toàn cầu tiếp tục chững lại, đặc biệt ở các nước phát triển.

Việc đảm bảo được người dân có việc làm, có mức bình quân thu nhập trung bình cao, chế độ phúc lợi xã hội thoả mãn nhu cầu… là mong muốn của bất cứ đất nước nào trên thế giới này nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Để chạy đua và đáp ứng được mọi nhu cầu trong cuộc sống, để giữ được việc làm và có thu nhập như mong muốn, mọi người sẽ chấp nhận hy sinh bớt phần cảm xúc lãng mạn, cũng không còn thời gian để nghĩ riêng cho bản thân vì tồn tại trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt cả về công việc lẫn cuộc sống. Áp lực vô hình nhưng vô cùng lớn lao đó khiến mọi người chỉ chăm chăm cố gắng làm tốt nhất công việc của mình. Đây là mặt trái của cuộc sống công nghiệp. Là tất yếu buộc phải chấp nhận. Nhưng không thể coi đó là sự vô cảm với cuộc sống!

Bởi, nếu thực sự những người dân Singapore đạt được sự vô cảm đứng đầu thế giới, có lẽ họ không cần phải cố gắng tìm việc làm để có mức thu nhập ổn định có thể trang trải được mọi nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, danh sách những nước đứng đầu về vô cảm được liệt kê ra phần lớn thuộc về châu Á- nơi có đặc trưng văn hoá Phương Đông điển hình đó là kín đáo.

Chắc chắn không một người dân Châu Á nào có thể tự nhiên thả ngực rông đi lại trên đường, thậm chí là trên bãi biển. Người Châu Á coi những hành động đó là phản cảm, dị mọi, thiếu văn hoá hay không tôn trọng người khác. Nhưng, ở những nước cuối bảng xếp hạng mà Gallup đưa ra như Panama, Paraguay và Venezuela thì những hành động kể trên lại hết sức bình thường.

Thế mới có câu chuyện của một người bạn tôi, sau chuyến công tác dài ngày ở Khu vực Mỹ Latinh về nước, điều anh kể đi kể lại nhiều lần là sự cởi mở đến khó tưởng tượng của những người anh gặp. Với những cử chỉ đó, nếu mang về áp dụng tại các nước Châu Á, chắc chắn sẽ bị đánh giá là không đứng đắn hoặc là người có vấn đề.

Người Việt Nam chúng ta có thực sự vô cảm?


Nhưng, người Việt Nam hay Singapore hoặc những người dân ở các nước Phương Đông có thấy buồn phiền về cuộc sống của họ? cảm thấy bị gò bó và thiếu đi những cảm xúc trong cuộc sống?

Trở lại với thứ hạng thứ 13 của Việt Nam trong bảng xếp hạng.

Lịch sử Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Quá trình đó đã rèn luyện và hun đúc nên những thế hệ con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, sẵn sàng xả thân để cứu nước, thương yêu con người, thương yêu đồng loại, có tinh thần chịu đựng gian khổ, khó khăn... Từ khi còn nằm trong nôi, khi chập chững đi học đến khi trưởng thành, không một người Việt Nam nào không thấm nhuần những câu ca dao, tục ngữ như “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”...

Bản chất tốt đẹp mà mỗi người Việt Nam được giáo dục, dạy dỗ, uốn nắn và cố gắng để đạt được đã trở thành truyền thống mà hàng ngàn đời nay, những thế hệ con người Việt Nam đã nâng niu, gìn giữ, đó là những giá trị tinh thần, tư tưởng, tâm lý như lòng yêu nước, tính cần cù, óc sáng tạo, hài hước, trọng nhân nghĩa, kính thầy, ham học,… những giá trị tốt đẹp đó có tác dụng củng cố, phát triển quan hệ xã hội, tạo ra sức mạnh cho con người vượt qua khó khăn trong cuộc sống hiện tại để phát triển xã hội và hoàn thiện nhân cách.

Ở nước ta, từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường có sự định hướng và quản lý của Nhà nước, bên cạnh những mặt tích cực, đã xuất hiện những cách sống và lối sống xa lạ, trái với các chuẩn mực của xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc. Một bộ phận trong các tầng lớp, các thành phần xã hội khi mưu cầu lợi ích cá nhân đã chà đạp lên những khuôn mẫu, những giá trị đạo đức đích thực. Nạn tham nhũng, buôn lậu, làm giàu bất chính và các tệ nạn xã hội khác đang phát triển tràn lan. Một bộ phận trong lớp trẻ hiện nay có tâm lý sống thực dụng, buông thả, quay lưng lại với văn hóa, đạo đức truyền thống...

Nhưng, kể cả có du nhập mặt trái vào xã hội thì chúng ta có vô cảm hay không?

Theo bảng xếp hạng Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) do Quỹ kinh tế mới (New Economics Foundation- NEF), một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh, công bố ngày 14/6/2012, Việt Nam được xếp thứ hai trên thế giới do người dân hài lòng với cuộc sống hiện có, tuổi thọ bình quân cao, và tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên ít gây tác động tới môi trường.

Cần phải nhấn mạnh hơn nữa là, Việt Nam đã liên tục được thăng bậc tại các lần xếp hạng, từ vị trí 12 năm 2006 lên vị trí thứ 5 năm 2009 và vị trí thứ 2 năm 2012, với điểm đạt được lần lượt là 61,2; 66,5 và 60,4 (trên thang điểm 100).

Bảng xếp hạng này và bảng đánh giá của Gallup nhìn thì tưởng đang trái ngược nhau, nhưng dường như lại đồng nhất với nhau, bởi người Việt Nam đúng là đang “vô cảm” trong sự bình yên, hài lòng với cuộc sống đang có của họ. Cũng chỉ vì họ đang quá hạnh phúc với cuộc sống hiện tại nên khoảng cách giữa sự giận dữ, buồn phiên, được kính trọng hay hưởng thụ không tồn tại mà hoà trộn lẫn nhau, tạo nên một cuộc sống làm mọi người dân cảm thấy hài lòng.

Nếu một ngày bạn không kịp mỉm miệng cười vài lần, không gặp ai bất chợt trên đường và túm tay lại để nói rằng bạn đang buồn, đang vui… đơn giản vì bạn đang hạnh phúc và hài lòng với những gì cuộc sống dành cho bạn mà thôi.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét