Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Ngày này 40 năm trước: Hà Nội đối mặt với B-52

Hà Nội đối mặt với B-52

Báo Nông nghiệp VN: Chân dung một Hà Nội đối mặt với B-52, những đau thương mất mát, những cách thích ứng linh hoạt đến khó tin của người dân Hà Nội đã được tái hiện trong "Đối mặt với B-52”. 
Cuốn sách được thực hiện với sự góp mặt của 116 nhân chứng, người trẻ nhất sinh năm 1966, vào năm 1972 mới lên 6 tuổi và nhân chứng nhiều tuổi nhất sinh năm 1910, khi Hà Nội đối mặt với B-52 thì đã 62 tuổi. Họ kể lại câu chuyện họ đã chứng kiến, để người ta có thể thốt lên: “Người Hà Nội những năm tháng ấy đáng phục làm sao".
Không thể không nhắc đến những mất mát của người Hà Nội thời điểm đó. Những thống kê không chỉ đơn giản là con số mà còn nhắc cho những con người của ngày hôm nay biết được sự khốc liệt của chiến tranh cũng như sự kiên cường của đất và người Hà Nội. Khâm Thiên, Hàng Cỏ, Bạch Mai… những địa danh mãi mãi đi vào lịch sử Hà Nội cùng với những tổn thất nặng nề nhất và cũng kiên cường nhất trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không 1972. “Toàn bộ 6 khối phố của Khâm Thiên hầu như bị xóa sạch trong đêm 26/12. Bom Mỹ đã giết 287 người trong đó có 40 cụ già và 55 em nhỏ. Nhiều gia đình không còn ai sống sót”. Hay những con số “Ga Hàng Cỏ bị ném bom ngày 21/12, những quả bom điều khiển bằng laze đã trút xuống nhà ga và các phố lân cận, đêm 18/12, hơn 300 người đã thiệt mạng".
Câu chuyện của cô Nguyễn Thị Lan nhà ở Khâm Thiên (sinh năm 1940) chỉ là một trong bao người Hà Nội lúc bấy giờ, mất nhà cửa, người thân: “Tôi đi sơ tán về Chương Mỹ - Hà Tây với hai con trai. Hôm 26/12, xe ô tô của cơ quan chồng lên đón, nói anh ấy bị thương đang ở bệnh viện, chỉ mình chị ra thôi để các cháu ở lại. Tôi về không thể tưởng tượng được giữa đống đổ nát đó đâu là nhà mình nữa… Mẹ, em gái tôi và chồng tôi đều chết vì sức ép của bom”.

Song giữa bom đạn, người Hà Nội vẫn sống, vẫn lao động, sản xuất. Ông Phùng Tửu Bôi sinh năm 1938, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Lâm nghiệp, nhớ lại: “Hà Nội mình hồi đấy vắng. Có một cái lạ như thế này, lúc bom đạn thì yên ắng nhưng khi còi báo yên thì đường phố lại tấp nập ngay được, mọi người đi lại, làm việc ngay được. Tôi thấy hồi đó tinh thần hay lắm, nó giúp vượt qua được mọi thứ, không sợ, cảm thấy ai cũng có thể làm nhiều việc, không phải chỉ riêng mình, ai cũng có thể xông vào cứu người này, giúp người khác”.
Còn ông Nguyễn Xuân Át sinh năm 1942, phóng viên ảnh báo Phòng không không quân thì “trực chiến” đúng như một phóng viên chiến trường: “Nhà tôi ở phố Khâm Thiên, phía bên kia rạp Dân Chủ bây giờ. Đêm 26/12, khi địch đánh vào khu phố, tôi có mặt ở nhà nên chụp được cảnh B-52 cháy ngay trong nội thành. Khoảng 22 giờ 15 phút thì báo động, vẫn như những ngày trước, còi rú lên, loa báo máy bay địch đến gần, cách Hà Nội bao nhiêu cây số. Lúc nghe loa báo, tôi đang ở giữa phố, tôi chạy về nhà, xách máy ảnh ra sân, đứng “trực chiến” ở đầu hồi. Rồi thấy bừng sáng lên, tôi chụp được hai kiểu B- 52 cháy, xong, tôi và một ông anh nhảy xuống hầm cá nhân. Đất cát bắt đầu dội xuống, trời tối đen như mực. Trong hai tấm ảnh B-52 cháy có một kiểu trông như pháo hoa. Đây là một trong những tấm ảnh ghi nhận về 12 ngày đêm mà tôi thích nhất và cũng là tài liệu chứng minh cho chiến thắng của mình, bắn rơi pháo đài bay tại Thủ đô đem 26/12/1972”.
Sự hiên ngang, tư thế đối mặt với chiến tranh của người Hà Nội đã khiến cho Jane Fonda, diễn viên Mỹ nổi tiếng, viết trong hồi ký khi kể về những ngày cô đến Hà Nội năm 1972: “Chúng tôi lái xe xuyên thành phố đến Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô để tôi khám chân. Phiên dịch trong ngày của tôi là Chi. Cô nói với các bác sĩ tôi là người Mỹ, và câu giới thiệu này gây xôn xao xung quanh. Tôi tìm một biểu hiện hằn thù trong mắt những người tôi thấy. Nhưng tuyệt nhiên không có gì. Những ánh - mắt - không - hận - thù ấy ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau khi cuộc chiến chấm dứt”.
“Đối mặt với B-52” do NXB Trẻ phát hành vừa ra mắt độc giả sáng 4/12 tại Hà Nội. Cuốn sách là tập hợp câu chuyện của 116 nhân chứng về những ngày quân và dân Hà Nội đối mặt với B-52 của kẻ thù. Sách do Đại tá Nguyễn Xuân Mai và nhóm tác giả trẻ: Đào Thanh Huyền, Đặng Đức Tuệ, Trần Phúc Thái thực hiện. “Đối mặt với B-52” ra đời nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 1972-2012.
Đối mặt với B-52 là thành quả của nhóm biên soạn đứng đầu là nhà báo, đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không không quân. Ông chính là nhân chứng sống của 12 ngày đêm cuối năm 1972, trực tiếp tham gia đưa tin bài, ảnh phản ánh quá trình chuẩn bị và chiến đấu với B-52 của quân ta. Bên cạnh ông là những nhà báo, họa sĩ trẻ, có người sinh sau thời điểm năm 1972, nhưng đều là những người cùng chia sẻ mối quan tâm đến giai đoạn lịch sử đặc biệt này của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Với 3 phần, cuốn sách đi theo mạch thời gian từ thời điểm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại, dựng lại bối cảnh cuộc sống của người Hà Nội những năm 1966-1972 và quá trình quân đội ta nghiên cứu làm thế nào để hạ được "pháo đài bay" B-52. Tiếp theo là quãng thời gian 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời Hà Nội. Cuốn sách cũng ghi lại cuộc sống ở Hà Nội những ngày hòa bình trở lại.
Không phải là cuốn sách về lịch sử, “Đối mặt với B-52” có thể coi là tập hợp hồi ký của người Hà Nội về những ngày họ đã đối diện với chiến tranh và đã sống. Không có tham vọng tuyên truyền về thiên anh hùng ca của người Hà Nội trong một chiến thắng quân sự lẫy lừng song “Đối mặt với B-52” sẽ giúp cho người trẻ hôm nay hiểu hơn về lịch sử, về một thời mà chính cha, ông họ đã trải qua. Bởi những người tập hợp nhân chứng sống đều còn rất trẻ. Điều đó thêm một lần khẳng định, thế hệ trẻ vẫn luôn trân trọng và tri ân những giá trị mà thế hệ cha ông đã tạo nên.

Đối mặt với B-52: Khắc họa một chân dung Hà Nội “không hận thù”...



Nhân dân: Có một điều thật lạ, người Hà Nội trong những ngày tháng ấy đã đối mặt với mất mát, đau thương không phải bằng nỗi sợ hãi, họ đã tìm cách để thích ứng linh hoạt đến khó tin. Bình thản dưới bom đạn, vượt lên đổ nát để tiếp tục sống và chiến đấu. Hà Nội 12 ngày đêm, một chân dung bình thản, nhẹ nhàng thích nghi cuộc sống đầy khắc nghiệt. Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, khi đó là phóng viên ảnh Việt Nam Thông Tấn xã chia sẻ, đi khắp phố phường Hà Nội những ngày đó cũng không tìm thấy nỗi sợ hãi. Sự thản nhiên đến lạ thường này có lẽ chỉ thấy được ở tinh thần quả cảm của nhân dân Việt Nam, của người dân Hà Nội. Ông Chu Chí Thành nhớ lại thời điểm đi tác nghiệp ở khu Khâm Thiên sau khi bị B-52 dội bom ác liệt: “... Tôi chụp ảnh cảnh bà con bới từng hòn gạch để tìm xem nhà mình còn gì không, có cái ảnh người ta cầm rá gạo lẫn đất và cái mâm bẹp. Tự vệ, công an, phóng viên... tản ra từng chỗ dăm bảy người một. Sau đó, tôi ra mặt đường Khâm Thiên. Phố chật ních người đi sơ tán. Tôi chụp được bức ảnh một bà cụ già ngồi trên xe xích lô, trên xe chất cái bu gà, cái nón mê, cái chiếu rách, dưới chân cụ là củi.
Những cảnh đó làm mình xúc động. Không còn cảm giác sợ hãi, nhưng thấy có cái gì mất mát. Hôm trước, Khâm Thiên của mình còn rất bình thường, yên ấm, bây giờ đã sạch bay. Trong lòng trào lên một nỗi niềm đau xót và uất hận...”.
Sống giữa những đổ nát, giữa bom đạn rít gầm, người Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng Chạp của 40 năm trước vẫn hát những ca khúc át tiếng bom: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời, hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời... Đêm nay trời Hà Nội vang rền tiếng súng, lửa rực cháy sáng phố phường yêu dấu, lửa trừng trị B-52...”. Những ca từ này nằm trong bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ngay trong những ngày B-52 ném bom xuống Thủ đô, lấy cảm hứng từ câu nói của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một cuộc gặp với bộ đội tên lửa: “Hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội”. Ngày 29-12, bài hát được đăng trên Báo Nhân Dân và sau đó, được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Hà Nội vừa đánh giặc, vừa hát...
Cái sự thích ứng của người Hà Nội còn lạ lùng ở chỗ, họ lắng nghe cả tiếng còi báo động quen thuộc đến mức vài chục năm sau những điệp khúc thân quen ấy vẫn mang ra dùng để bày trò cho trẻ con chơi: “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý... Máy bay địch cách Hà Nội ba mươi cây số... Máy bay địch cách Hà Nội ba mươi cây số...”. Ký ức ấy sống động đến mức ngay cả những đứa trẻ sinh ra sau chiến tranh vẫn cảm thấy đấy là cuộc đời “của mình”, có thể sẻ chia với bố mẹ, anh chị của chúng.
Một diễn viên Mỹ nổi tiếng, Jane Fonda trong hồi ký kể về những ngày cô đến Hà Nội năm 1972 đã viết: “Chúng tôi lái xe xuyên thành phố đến Bệnh viện hữu nghị Việt- Xô để tôi khám chân... Phiên dịch trong ngày của tôi là Chi. Cô nói với các bác sĩ tôi là người Mỹ và câu giới thiệu này gây xôn xao xung quanh. Tôi tìm một biểu hiện hằn thù trong mắt những người tôi thấy. Nhưng tuyệt nhiên không có gì. Những ánh mắt không hận thù ấy ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau khi cuộc chiến chấm dứt...”
Những dòng hồi ức của các nhân chứng lịch sử cũng tái hiện lại một chân dung Hà Nội “không hận thù” như cảm nhận của Jane Fonda. Vẹn nguyên và không sờn cũ, những nhân chứng lịch sử đưa thế hệ hôm nay trở về để gặp lại một Hà Nội xưa với những con người đã sống một cuộc sống quả cảm, cho dù trước mặt là biết bao thách thức. Ông Phùng Tửu Bôi (sinh năm 1938, Viện Điều tra quy hoạch rừng, Bộ Lâm nghiệp) nhớ lại: “Hà Nội mình hồi đấy vắng. Có một cái lạ như thế này, lúc bom đạn thì yên ắng nhưng khi còi báo yên, đường phố lại tấp nập ngay được, mọi người đi lại, làm việc ngay được. Tôi thấy hồi đó tinh thần hay lắm, nó giúp vượt qua được mọi thứ. Không sợ, cảm thấy ai cũng có thể làm nhiều việc, không phải chỉ riêng mình, ai cũng có thể xông vào để cứu người này, giúp người khác...”.
Hay như trong ký ức của ông Đỗ Thọ (sinh năm 1948; kỹ sư điện, bộ phận quản trị Bệnh viện Bạch Mai): “Những lần đầu tiên, đang đi trên đường mà có còi báo động và loa phóng thanh báo máy bay địch đến, mọi người đều lao xuống hầm, có vị nhảy xuống chưa kịp đậy nắp, người khác nhảy vào tiếp, ngồi lên đầu nhau. Nhưng về sau nó đánh như cơm bữa lại cảm thấy rất bình thường...”.
Ông Vũ Xuân Vinh (sinh năm 1923 - Tham mưu phó Quân chủng PK-KQ) lại chia sẻ tâm trạng khi máy bay B-52 của địch bị bắn rơi: “... Việc bắn rơi tại chỗ máy bay B-52 đã giải tỏa tư tưởng nhiều lắm. Chúng tôi ôm lấy nhau, cười ra nước mắt...”.
“Đối mặt với B-52” được thực hiện với sự góp mặt của 116 nhân chứng, trong đó có hơn 1/4 là dân sự. Nhân chứng trẻ nhất sinh năm 1966, mới sáu tuổi vào năm 1972 và nhân chứng nhiều tuổi nhất sinh năm 1910, khi ấy đã 62 tuổi. Câu chuyện mà họ kể lại khiến người đọc, nhất là thế hệ trẻ hôm nay phải thốt lên: “Người Hà Nội những năm tháng ấy đáng phục làm sao”. Từ những nhân chứng khi ấy còn là đứa trẻ nhỏ như Nguyễn Hà Phong, sống tại khu Kim Liên, năm 1972 mới sáu tuổi thì ký ức ngày ấy cũng trở về thật sống động: “...Tôi sinh ra thì Mỹ đã ném bom miền Bắc. Mẹ tôi kể một trong những từ đầu tiên mà tôi biết nói là “chạy”. Tôi giơ tay, bảo “chạy, chạy, chạy”...”
“Đối mặt với B-52” có đủ các số liệu để trở thành một pho sử ký về cuộc đối mặt không cân sức 40 năm trước, khi mà “Điện Biên Phủ trên không” đã là thất bại duy nhất của “pháo đài chiến lược” do hãng Boeing sản xuất trong nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, theo những người thực hiện thì “Đối mặt với B-52” không phải để thuật lại một chiến thắng quân sự lẫy lừng; cũng không phải là một thiên hùng ca tuyên truyền. Bởi những công việc đó đã có một Bảo tàng về chiến thắng B-52 cùng những ca khúc “tiếng hát át tiếng bom” nổi tiếng trong những ngày tháng Chạp 40 năm trước ghi lại. “Đối mặt với B-52” là một chân dung Hà Nội trong 12 ngày đêm kiên cường, khó quên (18-12-1972 - 29-12-1972). 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét