Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình


Ông Tập Cận Bình lãnh đạo tối cao của chế độ Trung Quốc
REUTERS/How Hwee Young/Pool/Files
Minh Anh
Thời sự Trung Quốc là đề tài được các báo Pháp hôm nay quan tâm nhiều, từ chính trị, xã hội, y tế cho đến kinh tế. Trong các loạt bài liên quan đến cường quốc số 2 thế giới này. Đáng chú ý nhất là bài viết « Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình » đăng trên mục Lá thư châu Á của báo Le Monde. Brice Pedroletti, thông tín viên của tờ báo cho rằng không những người lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục đường lối cứng rắn của những người tiền nhiệm, mà ông còn có ý định muốn biến Trung Quốc thành bá chủ khu vực như thời xa xưa.

Le Monde ghi nhận, quá trình chuyển giao quyền lực tại Trung Quốc diễn ra trong sự liên tục. Kể từ năm 2011, khi còn là Phó chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình được giao chuyên trách cơ quan phối hợp chính sách về các vấn đề có liên quan đến Biển Đông. Và đường lối cứng rắn này sẽ không được từ bỏ. vào cuối tháng 11 vừa qua, chính quyền đảo Hải Nam ban hành các quy định cho phép lực lượng tuần duyên của họ được quyền khám xét và trục xuất các tàu thuyền qua lại trong vùng lãnh hải rộng lớn mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Đầu tháng 12 này, cãi vã đã nổ ra giữa Bắc Kinh và Hà Nội, sau vụ việc các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của một chiếc tàu thuộc tập đoàn dầu khí Petro Vietnam.
Le Monde cho rằng, dường như ông Tập Cận Bình rất gắn bó với chủ đề « Đại phục hưng dân tộc Trung Hoa ». Một chủ đề đã được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài diễn văn đầu tiên trước báo chí hôm 15/11 vừa qua. Điều này còn được thể hiện rất rõ nét qua việc Tổng bí thư Đảng đến dự một buổi triễn lãm mang chủ đề « Con đường của sự phục hưng » tại Bảo tàng quốc gia Trung Quốc. Một sự dàn dựng ngoạn mục ! Le Monde nhận xét. Chính Đảng cộng sản đã tái sinh ra một Trung Quốc sau những sự kiện « nhục nhã » trong thế kỷ XIX. Nhưng những sự trượt đà bi thảm trong lịch sử của chế độ như chủ trương Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa, hay vụ thảm sát Thiên An Môn lại bị che dấu.

Sự tôn vinh tinh thần dân tộc được nâng lên đến mức tối đa. Tư tưởng này được biểu hiện qua việc sao chụp lại một tấm hình lớn mô tả quang cảnh vào thời xa xưa, sứ thần từ các nước lân cận đến dâng cống nạp lên hoàng đế Trung Hoa. Bà Valérie Niquet , chuyên gia về địa chính trị - sau khi đi xem triễn lãm đã nhận xét với Le Monde rằng: « Khái niệm phục hưng tinh thần dân tộc Trung Hoa phải được hiểu qua ý tưởng là Trung Quốc phải lấy lại vị thế mà họ đáng được có tại châu Á, rằng Trung Quốc là một cường quốc rộng lượng, sẽ giang tay bảo vệ các quốc gia còn lại trong châu Á và rằng thế giới, nhất là Hoa Kỳ phải chấp nhận ý tưởng này ».

Trong buổi nghi lễ hiệp thương với lịch sử Đảng, Tập Cận Bình đã chọn cho mình những lời lẽ như sau: « Ai cũng nói về giấc mơ Trung Hoa. Tôi tin rằng sự phục hưng tinh thần dân tộc Trung Quốc là giấc mơ lớn nhất của đất nước trong thời buổi hiện đại ». Le Monde cho rằng dường như giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình đã không được đón tiếp mấy nồng nhiệt trong giới cư dân mạng.. Ông Yu Jiangrong, giáo sư Viện hàn lâm khoa học xã hội đã ghi nhận trên trang blog rằng: « Đó chính là giấc mơ của chính phủ, bao gồm hàm cả việc gia tăng quyền lực nhà nước ».
Bất bình đẳng ngày càng sâu sắc

Cũng liên quan đến mặt xã hội, phụ trương kinh tế Le Figaro có bài viết báo động đề tựa « Tại Trung Quốc, bất bình đẳng ngày càng bị đào sâu ». Một điều tra do một viện nghiên cứu Trung Quốc có liên kết với Ngân hàng trung ương khẳng định rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia bất bình đẳng nhất trên thế giới. Theo bản điều tra, hệ số Gini, hệ số đánh giá mức phân bố của cải, trong năm 2010, đã lên đến 0,61. Trên lý thuyết, nếu hệ số này nằm ở mức 0, có nghĩa là xã hội hoàn toàn công bằng. Nếu hệ số đạt đến 1, toàn bộ của cải đất nước đều tập trung vào tay một người.

Theo bình luận của các nhà phân tích, hệ số trên cho thấy « cách biệt thu nhập tại Trung Quốc là quá lớn và hệ số 0,61 rất hiếm có trên thế giới ». Điều đáng ngạc nhiên là lần đầu tiên chính quyền cho công bố kết quả thống kế này, vốn bị kiểm soát chặt chẽ từ 10 năm qua. Vào hồi tháng giêng năm nay, Cơ quan thống kê quốc gia còn từ chối công bố số liệu lấy cớ rằng việc thu thập dữ liệu quá phức tạp.

Không như thường lệ ca tụng « một xã hội hài hòa », lần này, nhật báo chính thức Hoàn cầu Thời báo đã viết rằng hố sâu giàu và nghèo đã chạm đến mức « báo động ». Hiện nay, vấn đề bất bình đẳng xã hội là một trong những chủ đề nhạy cảm nhất tại Trung Quốc.

Kinh tế Trung Quốc đang dần hồi phục

Lần đầu tiên kể từ tháng Ba năm nay, sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tăng. Nhất là mức sản xuất điện, chỉ số được cho đáng tin cậy nhất, cũng tăng lên trong tháng 11. Với các tín hiệu trên, báo Le Monde trích dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế cho rằng « Kinh tế Trung Quốc đang trên đà tăng trở lại ». Theo các chuyên gia kinh tế tại các ngân hàng lớn BNP Paribas, HSBC tại Trung Quốc, kinh tế đang trên đà tăng trưởng trở lại, dù rằng tầm mức cũng chưa mạnh như sự mong đợi của thị trường. Nhưng xu hướng tăng là khá rõ.

Le Monde nhận định, các biện pháp do Bắc Kinh đề ra đang được đền đáp. Một loạt các biện pháp kích thích tăng trưởng được đề ra như hai lần hạ lãi suất chỉ đạo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên đủ mọi cấp độ từ trung ương cho đến địa phương nhằm duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, đồng thời đảm bảo nhu cầu bất động sản trong nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rằng bất chấp các tín hiệu khích lệ, năm 2013 không hứa hẹn là một năm huy hoàng như là năm 2010, sau khi chính quyền tung ra kế hoạch kích thích tăng trưởng chống khủng hoảng toàn diện. Hiện tại, tiêu thụ nội địa vẫn yếu, trong khi đó, nhu cầu từ Mỹ và châu Âu vẫn dưới mức cung. Tín hiệu cho thấy có sự bối rối đó là thặng dư mậu dịch trong tháng 11 sụt giảm đến 19,6 tỷ đô-la (nghĩa là giảm 38,6% so với tháng 10 năm nay).

Thế nhưng, Le Monde cho rằng sự ổn định ít nhiều cũng mang đến cho dàn lãnh đạo mới một phạm vi hoạt động , nếu như họ có ý định đưa ra các chương trình cải cách kinh tế đang bị sa lầy : Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp tư và tiêu thụ của các hộ gia đình, là những khả năng duy nhất có thể dẫn đến một sự tăng trưởng bền vững.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét