Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Chưa ngã ngũ quyền dự trữ ngoại tệ của người dân

Chưa ngã ngũ quyền dự trữ ngoại tệ của người dân

Đồng tình hạn chế việc dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại nếu cấm dự trữ ngoại tệ sẽ ảnh hưởng việc thu hút kiều hối cũng như quyền dự trữ ngoại tệ hợp pháp của người dân.
Thắt chặt quản lý ngoại hối
Việc hạn chế các quyền sử dụng ngoại tệ của cá nhân vừa được đưa ra bàn luận sôi nổi tại phiên họp Thường vụ Quốc hội về Pháp lệnh ngoại hối sửa đổi chiều này 13/12. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước khi đề nghị sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối hiện hành là hạn chế giao dịch ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Điều 22, dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung các hoạt động báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thoả thuận không được thực hiện bằng ngoại hối. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đồng tình quan điểm siết tình trạng đôla hóa, các quyền sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư của cá nhân.

Chủ tịch Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển không đồng tình với Ủy ban Kinh tế khi cấm toàn bộ. "Về điểm hạn chế quyền công dân khi có ngoại tệ, theo tôi hiểu nếu có ngoại tệ thì dứt khoát phải gửi vào ngân hàng. Tuy nhiên Ủy an Tài chính Ngân sách cho là không cần thiết. Theo tôi chỉ cần cấm tiêu ngoại tệ chứ không có căn cứ gì hạn chế quyền dự trữ", ông Hiển phân tích.


Về điểm này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần hết sức lưu ý để không ảnh hưởng quyền lợi của người dân và khả năng hút kiều hối về nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: "Tôi đồng ý nhưng phải tôn trọng quyền sở hữu tài sản của các cá nhân. Không nên cấm họ dự trữ mà chỉ cần yêu cầu khi đưa ra lưu thông thì phải qua ngân hàng. Ngoài ra, việc hạn chế quá mức còn có thể ảnh hưởng đến việc thu hút kiều hối về Việt Nam".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu phải tôn trọng, bảo đảm quyền của người dân trong việc giữ ngoại tệ, vàng, ngoại hối. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì thừa nhận tính cấp thiết phải sửa đổi Pháp lệnh này. Tuy nhiên, theo bà, những vấn đề được đưa ra cần sửa đổi khá nhạy cảm, liên quan đến các vấn đề như ngoại tệ, vàng, đầu tư ra nước ngoài - đều là những vấn đề người dân hết sức quan tâm. "Do đó, việc sửa đổi phải không làm đảo lộn đời sống sản xuất kinh doanh hoặc quyền sở hữu hợp pháp của người dân. Đừng có đưa ra pháp lệnh này để một lần nữa Ngân hàng Nhà nước lại gây sốc cho nhân dân", bà Ngân nói.

Về những lo ngại này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định luôn thận trọng và đảm bảo không gây xáo trộn trong dư luận khi sửa đổi Pháp lệnh Ngoại hối. "Trên thực tế, gần như tất cả các nội dung đề nghị sửa đổi lần này đã dần dần được triển khai. Nay Ngân hàng Nhà nước tập hợp lại để đưa vào Pháp lệnh cho thống nhất. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đảm bảo không có chuyện xáo trộn gì", Thống đốc lý giải trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sẽ thắt chặt hơn nữa việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.
Sẽ thắt chặt hơn nữa việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà
Ông Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, đề án chống đôla hóa đã được Ngân hàng Nhà nước xây dựng xong và dự kiến ngày 28/12 sẽ trình Bộ Chính trị xem xét.

Ngoài vấn đề về siết chặt sử dụng ngoại tệ trong lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng Pháp lệnh sửa đổi lần này quy định "hơi chặt" về quản lý đối với luồng tiền từ Việt Nam ra nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng như hiện nay. Theo Pháp lệnh sửa đổi, tất cả vốn, lợi nhuận, đầu tư trực tiếp thu được tại nước ngoài phải chuyển về Việt Nam, điều trên theo Ủy ban này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư kinh doanh của các tổ chức Việt Nam. Ông Phùng Quang Hiển lấy ví dụ: "Nhưng nếu tôi đầu tư sang Lào và có lợi nhuận nhưng thấy ở Myanmar đang hoạt động có hiệu quả nên muốn chuyển tiền sang Myanmar thì tại sao lại fai chuyển về Việt Nam".

Thừa nhận có câu chuyện này trong thực tế, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết thực tế là các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhiều mà luồng tiền về chưa tưng xứng. "Hiện chưa đặt vấn đề luồng tiền về ngay lập tức nhưng cần phải quản lý, hạch toán được. Nếu doanh nghiệp đầu tư nước A, làm ăn tốt, muốn đầu tư sang nước B, C thì hoàn toàn có quyền. Chỉ có điều, doanh nghiệp phải báo cáo về trong nước nguồn tiền mình sử dụng", ông Bình giải thích.

Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực thi hành từ 1/6/2006. Sau 6 năm ban hành, theo Ngân hàng Nhà nước, pháp lệnh này cần được sửa đổi bổ sung để phù hợp với điều kiện hiện nay. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, tờ trình Chính phủ gửi đề nghị sửa đổi tới 26 điều trong số 46 điều. "Như vậy, cần sửa tới trên 60%. Theo tôi, nếu sửa nhiều như thế có thể nâng Pháp lệnh này lên thành Luật để có đủ hiệu lực pháp lý điều chỉnh", ông Lý đề xuất.
Thanh Thanh Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét