Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

(3) Christmas Bombing – Ném bom trong dịp Giáng Sinh (Phần 3)

SAM 2 rời bệ phóng. Ảnh: internet
SAM 2 rời bệ phóng. Ảnh: internet
Tác giả: Marshal Michel, Air & Space Smithsonian Magazine, 01/2001
Tháng 12/1972, các máy bay ném bom B-52 mà những khẩu đội tên lửa của  Bắc Việt đón lõng đã bay đến Hà Nội. Đêm này sang đêm khác, chúng xâm nhập bầu trời thủ đô hầu như theo cùng một đường bay.

7. Phi công tù binh nhìn B-52 qua lỗ khóa và sai lầm chết người của Bộ tư lệnh không quân chiếc lược (SAC).
Khi đợt B-52 thứ nhất đã bay đi, không khí tại các bộ chỉ huy (phòng không) Bắc Việt đã bớt căng thẳng – họ đã nhận đòn B-52 và có thể đánh trả.
Xe chở tên lửa của các tiểu đoàn đã bắt đầu chạy xuyên qua những con đường lầy lội và những tòa nhà đang bốc cháy đến kho nhận những tên lửa mới.
Các chiến sĩ quân giới đã làm việc như điên để lắp tên lửa và xếp lên xe những quả đã được hoàn thành để chở ra trận địa.
Ngay trước nửa đêm, máy bay tiêm kích và yểm trợ của Hoa Kỳ lại xuất hiện trên màn hiện sóng ra đa. Một đợt oanh tạc nữa của B-52 lại sắp diễn ra.

Tại mặt đất, từ trong Hỏa Lò, Norb Gotner, một thành viên phi hành đoàn Hoa Kỳ được chữa lành bệnh tại Lào và sau đó được chuyển về Bắc Việt, đã nghe thấy còi báo động phòng không.
Tiếp theo là những tiếng nổ lốp bốp của hỏa lực phòng không và tiếng rú tăng tốc của các máy bay tiêm kích. Anh ấy nhớ lại “đã từng ở gần những nơi bị B-52 ném bom tại Lào nên tôi đã nhận ra loạt bom thứ nhất khi chúng được ném xuống.
Anh nhớ lời bàn tán rằng ‘BUFFs [da bò, biệt danh của B-52] đã đến và sẽ kết thúc cuộc chiến chết tiệt này.’ Đã không thể nghe thấy tiếng của các máy bay ném bom đang đến gần và điều đó làm cho chúng trở nên đáng sợ hơn đối với dân chúng Bắc Việt.
Tiếng rú chói tai của loạt bom đang rơi ập lên đường phố và xuyên vào các xà lim bằng bê tông. Chúng rung chuyển tới lui như bị động đất.
“Chúng tôi thực sự không có cửa sổ (một thứ cực kỳ xa xỉ), nhưng đã thành công trong việc khoét ra một lỗ nhỏ trên ván bịt cửa có chấn song. Nhìn qua đó, giống như nhìn qua lỗ chìa khóa vậy. Chỉ thấy khoảnh sân ở giữa các cụm xà lim và một mảnh trời đêm bé xíu, không thể thấy tên lửa nổ và các máy bay bốc cháy rơi xuống nên nên chúng tôi chẳng thể nào tin B-52 bị bắn hạ nhiều đến thế. Sáng hôm sau, mặt đất bị phủ đầy những mảnh vụn gây nhiễu.”
Đợt B-52 thứ hai bay cùng một đường với đợt thứ nhất và nhắm đến cùng những mục tiêu như nhau. Peach 02, là B-52 thứ hai bay trên một mục tiêu đã bị ném bom trong đợt đầu. Khi vừa ném bom xong, nó lập tức ngoặt trở lại phía sau mục tiêu thì bị tên lửa bắn trúng.
Phi công đã cố gắng lê chiếc máy bay bị thương nặng trở về Thái Lan, nơi mà phi đoàn có thể nhảy dù an toàn ra khỏi máy bay.
Tại U-Tapao lúc bấy giờ, trung tá John Yuill vừa rời khỏi phiên thuyết trình nhiệm vụ của đợt B-52 thứ ba thì các phi hành đoàn của đợt thứ nhất bước vào. “Họ không nói gì, thế nhưng lúc nhìn vào mắt họ, tôi biết rằng họ đã có một ngày tồi tệ,” viên trung tá nói.
Khi đợt thứ hai đã rút về phía Nam thành phố, Đinh Thế Văn (Vân, Vạn?), tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 77, đã thảo luận với sĩ quan điều khiển Nguyễn Văn Đức về phương pháp sử dụng chức năng tự động bám mục tiêu của ra đa ngắm bắn để hạ B-52.
Mặc dù chức năng tự động có độ chính xác cao, nhưng nói chung vẫn được xem là không thể được sử dụng trong trường hợp mục tiêu bị nhiễu. Một tiểu đoàn trưởng sau đó đã nói, “Không ai dám nghĩ đến [tự động bám mục tiêu] khi thảo luận về phương pháp đánh B-52 vì nó có vẻ rất phi thực tiễn…Chế độ tự động chỉ được sử dụng 3 lần trong các năm 1965 và 1966, khi đó chưa có nhiễu ra đa và đối phương chưa tinh quái như bây giờ.”
Thế nhưng Văn vẫn quyết định thử. Đợt ném bom thứ nhất hầu như đã làm tan biến hy vọng của anh khi một vài quả bom rơi gần trận địa của tiểu đoàn 77, phá hỏng một số thiết bị và gây thương vong cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ đưa tên lửa lên bệ phóng.
Sau đó vài phút, khi Văn bật ra đa ngắm bắn và cố sử dụng chức năng tự động bám B-52 thì trận địa bị máy bay Wild Weasel tấn công bằng tên lửa Shrike và quả tên lửa đã nổ cách xe chỉ huy chỉ chưa đến 100 thước Anh (30m).
F-105 Weal Weseal
F-105 Wild Weasel
Sự thất vọng của Văn tăng lên, khi trong đợt B-52 thứ hai tiểu đoàn vẫn không thể tách máy bay ném bom ra khỏi nhiễu. Tuy nhiên, trong đợt ấy Văn nghĩ rằng anh đã nhận ra thời điểm mà nhiễu B-52 tan đi.
“Chúng tôi thấy nhiễu B-52 dầy đặc và thường làm trắng xóa màn hiện sóng của ra đa…[nhưng] chúng tôi thấy rằng không phải lúc nào nhiễu cũng dầy đặc như nhau,” anh ấy nhớ lại. “Vấn đề cốt lõi là xác định khoảng thời gian mà B-52 bị lộ ra và thịt nó như một chú cừu non.”
Bốn giờ sau, Văn và kíp chiến đấu đã có thêm một cơ hội nữa khi đợt B-52 thứ ba bay đến theo cùng một đường bay và ném bom cùng những mục tiêu như hai đợt trước. Kíp chiến đấu của tiểu đoàn 77 đã chăm chú quan sát mục tiêu được phân công và khi thấy nhiễu giảm mạnh họ đã phóng hai tên lửa rồi chuyển sang chế độ bám tự động.
Máy bay B-52 có tên là Rose-01 bị trúng tên lửa, bốn thành viên phi hành đoàn đã nhảy dù ra được trước khi nó rơi xuống vùng ngoại ô Hà Nội.
Thế là Văn đã nhận thấy rõ yếu điểm chết người trong chiến thuật (ném bom) của Hoa Kỳ. SAC (Bộ tư lệnh không quân chiến lược) đã sao chép y nguyên chiến thuật ném bom nguyên tử nổ ở độ cao lớn và ra lệnh sau khi thả bom, máy bay phải lập tức ngoặt gấp trở lại để thoát ra khỏi mục tiêu.
Nhưng SAC đã không đánh giá được sơ hở của chiến thuật này trong việc đối phó với ra đa ngắm bắn và không hề xem xét việc ngoặt gấp phía sau mục tiêu sẽ mang lại hậu quả như thế nào khi máy bay ném bom nằm trong tầm bắn của tên lửa SAM.
Do ăng ten phát nhiễu (tích cực) của B-52, bị gắn chặt và hướng về phía mặt đất, nên khi máy bay ném bom ngoặt gấp nó bị chệch khỏi các ra đa mặt đất của SAM, vì vậy ra đa ngắm bắn có thể tách được tín hiệu phản hồi và tự động bám theo.
Sáng hôm sau, khi mặt trời lên, những người Hà Nội hiếu kỳ xúm quanh các mảnh vỡ của B-52. Các đơn vị quân đội đóng ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam gửi điện mừng. Tướng Nhân nói: “Một cảm xúc đặc biệt tràn ngập các bộ chỉ huy, từ cấp tiểu đoàn đến Bộ Tổng Tham mưu, từ vùng biên cương phía Bắc đến các chiến trường ở miền Nam. Hệ thống phòng không của Hà Nội đã trụ vững trước vũ khí khủng khiếp nhất của Mỹ và cho chúng nếm đòn; điều đó đã cổ vũ tinh thần quân dân.
8. Bộ tư lệnh phòng không Việt Nam tận dụng sai lầm chết người của SAC bắn B-52 rụng như sung.
Đêm hôm sau, mặc dù các máy bay ném bom vẫn bay theo cùng một đường bay và cùng thực hiện ngoặt ở phía sau múc tiêu như đêm trước, lực lượng phòng không Bắc Việt chỉ bắn trúng 2 chiếc nhưng không chiếc nào bị hạ rơi tại chỗ.
Sáng hôm sau, Bộ tham mưu của sư đoàn phòng không 361, bất chấp việc các Tiểu đoàn trưởng không hề được chợp mắt suốt cả đêm, đã triệu tập tất cả họ đến dự một cuộc họp khẩn cấp.
Sau khi có mặt, từng người trong số 9 Tiểu đoàn trưởng được yêu cầu thuyết trình chiến thuật mà họ đã sử dụng, giải thích tại sao họ đã không thành công và nêu ra những dự kiến nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu.
Chiều hôm đó, các sĩ quan tham mưu đã đến từng tiểu đoàn để xem xét chiến thuật và quy trình chiến đấu của họ được mô phỏng lại trong xe chỉ huy. Các kíp chiến đấu đã diễn tập chiến đấu trong mọi tình huống mà họ đã gặp phải trong hai đêm đầu và cải tiến các phương pháp điều khiển tên lửa thông dụng nhằm nắm vững ưu thế đối với những chiến thuật cơ động của B-52 mà họ đã dự đoán được.
Phi công Certain bị bắt. Ảnh: Nhất Đình cung cấp.
Phi công Certain bị bắt. Ảnh: Nhất Đình cung cấp.
Đêm không kích thứ ba, ngày 20/12, đã được mở màn như hai đêm trước: Đợt B-52 thứ nhất đã bay đến ngay trước tám giờ. Kíp chiến đấu trong xe chỉ huy của tiểu đoàn 93 đã lo lắng chờ đợi các máy bay của Không quân Hoa Kỳ đến gần.
Tiểu đoàn này đã bị phê bình vì những thất bại trong đêm trước và suốt buổi sáng các sĩ quan đã xem xét lại quy trình tác chiến cùng với huấn luyện viên từ Bộ chỉ huy của sư đoàn 361.
Khi các B-52 bay đến gần các mục tiêu mà chúng đã ném bom trước đó, công sức nghiêm túc, mà tiểu đoàn 93 bỏ ra,  đã được đền bù: Các chiến sĩ đã phóng 2 tên lửa vào một B-52 đang nghiêng mình để thực hiện cơ động ngoặt lại phía sau mục tiêu và trong khoảnh khắc sau đó chiếc Quilt- 03 đã lộn cổ xuống đất hầu như theo phương thẳng đứng. Bốn trong số thành viên phi đoàn đã sống sót.
Các tiểu đoàn còn lại cũng đã khắc phục thất bại trong đêm trước. Ba tiểu đoàn đã cùng đánh một máy bay ném bom, các tên lửa đã trúng máy bay khi cửa của khoang bom chứa vừa được mở ra.
Cú nổ phối hợp sáng đến mức được nhìn thấy bởi một máy bay thám sát của Hoa Kỳ đang bay trên vịnh Bắc Bộ cách đó đến 80 dặm (129 km); Thật là kỳ diệu vì hai trong số sáu thành viên của phi hành đoàn đã sống sót.
Khi hết B-52 này đến B-52 khác bị bắn trúng, một chiếc loa treo trên tường tại Sở chỉ huy của Sư đoàn 361 bị chìm ngập trong dòng tin tức được tuôn bởi một giọng nữ từ chiếc loa treo trên tường. Lê Văn Tri, tư lệnh Bộ Tư lệnh phòng không yêu cầu sư đoàn 361 báo cáo: “Độ hình của đối phương đã bắt đầu rối loạn. Chúng đang hốt hoảng gọi nhau và yêu cầu các máy bay giải cứu…”
Bên phía Bắc Việt đã rất phấn khích và theo dự đoán, để sẵn sàng chiến đấu với đợt ném bom thứ hai, họ đã cố gắng đến mức tuyệt vọng nhưng chỉ có ít tên lửa được lắp xong.
May thay, đợt ném bom Hà Nội vào lúc nửa đêm đã không xẩy ra, SAC đã ra lệnh hủy bỏ nó. Chỉ có một tốp nhỏ B-52 bay về phía Bắc.
Thế là các khẩu đội tên lửa của Bắc Việt đã làm được điều mà người Nhật, người Đức, người Bắc Triều Tiên, người Trung Quốc và người Nga đã không làm được, đó là lần đầu tiên trong lịch sử không quân Hoa Kỳ, các máy bay ném bom trên đường tới mục tiêu buộc phải quay lại căn cứ do hỏa lực phòng không của đối phương.
Tuy đã ra lệnh hủy bỏ đợt nem bom thứ hai, nhưng sau đó SAC đã thay đổi quyết định và cho phép tiến hành đợt ba. Vào khoảng bốn giờ sáng, khi đối phương xâm nhập bầu trời Hà Nội, các tiểu đoàn tên lửa đã được trang bị lại đầy đủ các tên lửa mới.
Một lần nữa, lực lượng phòng không Bắc Việt lại nhận thấy các B-52 bay theo cùng một đường và ném bom những mục tiêu y hệt như tám giờ trước.
Hầu như ngay lập tức, một B-52 bị trúng tên lửa khi nó thực hiện cơ động ngoặt lại sau mục tiêu, may mà phi công đã lê được chiếc máy bay bị bắn hỏng sang Lào, nơi mà các thành viên phi đoàn, trừ một người, đã nhảy dù thoát khỏi máy bay. Hai chiếc B-52 nữa đã bị bắn hạ trong 15 phút sau đó.
9. Tướng Sullivan cáu tiết báo cáo vượt cấp đòi ném bom theo chiến thuật bốn phương tám hướng.
Trong căn cứ không quân của Hoa Kỳ tại Thái Lan, quan điểm mới về các phi hành đoàn B-52 đã hình thành. Số là từ nhiều năm qua các phi công chiến đấu, những người phải bay ở độ cao thấp trong điều kiện lưới lửa phòng không dày đặc, đã diễu cợt các phi công B-52 vì họ bay rất cao ngoài tầm bắn của cao xạ nên chưa bao giờ bị tổn thất trong chiến đấu.
Thế mà trong chiến dịch Linebacker II, binh lính không quân Hoa Kỳ đã đêm này sang đêm khác chứng kiến rằng các phi hành đoàn B-52 đã phải chịu tổn thất đồng đội khi trở về căn cứ bởi họ đã phải bay trong những trận mưa SAM.
Từ đó trở đi, việc chế nhạo tinh thần dũng cảm của các phi hành đoàn của các máy bay ném bom đã chấm dứt.
Sách đỏ hướng dẫn bắn B52. Ảnh: Nhất Đình
Sách đỏ hướng dẫn bắn B52. Ảnh: Nhất Đình
Tại căn cứ B-52, U-Tapao Thái Lan, sau khi nhận được báo cáo về tổn thất, Chuẩn tướng Glenn Sullivan, Tư lệnh sư đoàn không quân 17, đã quyết định rằng thế là quá đủ. “Tôi gọi các chỉ huy chiến dịch, Đại tá Don Davis và Bill Brown,đến và ra lệnh cho họ triệu tập những chàng trai đã dạn dầy kinh nghiệm ngay khi họ hạ cánh để cùng thảo luận những thay đổi mà tôi sẽ trình lên SAC,”  ông nhớ lại.
“Tôi phản đối quan điểm ném bom theo một vệt duy nhất, đêm này sang đêm khác bay trên cùng một độ cao, và những chiến thuật ngu xuẩn khác. Các phi công đã đến và viết ra hàng loạt những đề nghị thay đổi thông minh.
Sáng sớm hôm đó, tôi đã kí và gửi báo cáo trực tiếp cho Tướng J.C. Mayer (Tổng tham mưu trưởng liên quân?), SINSAC (Tư lệnh SAC?) và gửi bản sao để thông báo cho Thủ trưởng của tôi tại Quân đoàn Không quân số 8, Tướng Jerry Johnson. Tôi muốn báo cáo đến SAC được gửi đi ngay lập tức. Một số người e ngại rằng tôi sẽ gặp rắc rối vì đã gửi báo cáo trực tiếp cho Mayer, tuy nhiên tôi cần phải làm một điều gì đó.
Báo cáo đã mang lại một vài hiệu quả. Sau khi xem các khuyến nghị của Sullivan, chỉ huy phi đoàn B-52 tại Guam đã chuyển đi ‎ kiến ủng hộ ông ta.
Vào đêm hôm sau việc rẽ ngoặt sau mục tiêu đã bị kiên quyết bãi bỏ, tuy nhiên SAC vẫn ra lệnh các máy bay ném bom sử dụng chiến thuật bay cùng một đường bay và theo hàng một đến mục tiêu. Thế là thêm 2 máy bay bị bắn hạ.
Do bị thất bại nên trong ba đêm sau đó SAC đã ra lệnh không ném bom Hà Nội để đánh phá các mục tiêu khác. Không có cuộc ném bom nào được tiến hành trong đêm giáng sinh.
Còn trong đêm 26, các máy bay B-52 trở lại đánh phá Hà Nội, nhưng Quân đoàn không quân số 8 đã lập kế hoạch ném bom trên cơ sở sử dụng những ý tưởng được Tướng Sullivan và các phi hành đoàn chiến đấu đề xuất.
Khoảng 10 giờ đêm ngày 26 tháng 11, các ra đa cảnh báo sớm của Bắc Việt đã phát hiện được nhiều máy bay hộ tống, có nghĩa là các B-52 đang bay đến. Các ra đa tìm mục tiêu đã quan sát được một toán lớn B-52 bay xuyên qua Lào, nhưng sau đó thêm một toán nữa từ Vịnh Bắc Bộ bay đến.
Cả 2 toán B-52 áp sát thành phố rồi bay tản ra xung quanh Hà Nội và Hải Phòng. Sau đó hơn 110 chiếc B-52 hầu như đồng thời quay trở lại mục tiêu và tấn công từ khắp mọi hướng.
Phi vụ ném bom (theo chiến thuật mới) đã được hoàn thành trong vòng 15 phút. Các sĩ quan điều khiển Bắc Việt đã cố gắng tuyệt vọng, nhưng hệ thống tìm mục tiêu bằng tay của họ đã bị quá tải vì các máy bay B-52 đã lao đến hầu như đồng thời từ những hướng khác nhau.
Thêm vào đó, thay vì thực hiện cơ động cứng nhắc và nguy hiểm chết người đó là ngoặt lại sau mục tiêu thì các B-52 tiếp tục bay thẳng về phía trước hoặc kéo dài thời gian thực hiện cơ động quay lại cho đến khi đã bay ra ngoài tầm bắn của tên lửa.
Tên lửa đã được phóng lên để chặn đánh hầu hết các mũi ném bom, tuy nhiên cho đến cuối đợt tấn công, chỉ có một B-52 bị bắn rơi tại Hà Nội (một chiếc khác bị tai nạn khi hạ cánh xuống U-Tapao).
10. Bắc Việt nối lại vòng đàm phán, chiến dịch ném bom trong dịp Giáng sinh kết thúc, cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng.
Thế là rõ, lực lượng phòng không Bắc Việt đã không còn cơ may bắn được nhiều B-52 nữa và hôm sau, ngày 27/12, các nhà đàm phán Bắc Việt đã cho phía Hoa Kỳ biết là họ muốn tiếp tục cuộc đàm phán tại Paris.
Tuy vậy, còn nhiều chi tiết (mà phía Hoa Kỳ) cần được tiếp tục làm sáng tỏ, vì vậy các cuộc ném bom Hà Nội vẫn được tiếp tục. Vào ban đêm của cái ngày mà Bắc Việt đồng ý trở lại Paris, 60 chiếc B-52 đã ném bom thủ đô và hai chiếc đã bị bắn hạ.
Đêm 28 và 29, không chiếc nào trong số các máy bay B-52 tham gia ném bom bị bắn rơi. Sao đó vào 30/12, nhờ đã đạt được những tiến bộ đáng kể, Tổng thống Nixon đã ra lệnh chấm dứt chiến dịch ném bom cuối cùng và đến cuối tháng giêng Hiệp định hòa bình Paris đã kết thúc sự dính líu của Hoa Kỳ đến chiến tranh Việt Nam.
Cho đến nay, cả hai bên đều đồng í rằng Linebacker II là một chiến dịch mang tính quyết định, đó là chiến dịch kết thúc cuộc chiến, thế nhưng sự nhất trí đã dừng lại ở đó mà thôi.
Sau khi nói chuyện với một số khẩu đội tên lửa và các cựu binh khác, tôi đã từng bước nắm được quan điểm của phía Việt Nam về chiến dịch ném bom trong dịp Giáng sinh. Mấu chốt của vấn đề là họ có quan điểm khác với các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về mục đích của chiến dịch ném bom.
Về phía Hoa Kỳ, Hiệp đinh Paris nhằm thực hiện mục tiêu của Nixon là đưa tù nhân chiến tranh (POW) về nước, tạo điều kiện cho Mỹ chấm dứt dính líu vào chiến tranh Việt Nam, mà không bị mất mặt và vẫn giữ trọn cam kết với Nam Việt.
Hiệp định Paris ký kết năm 1973.
Hiệp định Paris ký kết năm 1973.
Tuy nhiên, phía Việt Nam cho rằng mục tiêu của chiến dịch là buộc họ phải đầu hàng và rút quân đội khỏi Nam Việt. Vì thế, khi Hiệp định Paris cho phép quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam, họ có đủ lí do để tuyên bố rằng Linebacker II đã “thất bại.”
Vào năm 1975, niềm tin đó lại càng được củng cố thêm, khi các đạo quân Bắc Việt, ở lại miền Nam, đã mở cuộc tổng tấn công để tái thống nhất đất nước.
Để tìm hiểu tận gốc sự khác biệt, tôi đã nhận thức được rằng theo quan điểm của phía Việt Nam thì Linebacker II chỉ đơn thuần là một chiến thắng trong chuỗi những chiến thắng mà họ đã giành được trong suốt 30 năm chiến đấu giành độc lập.
Sự thống nhất toàn vẹn đất nước là bằng chứng về chiến thắng của họ trong chiến dịch.
Bài báo này đã được đăng trên tạp chí Air&Space/Smithsonian, tháng 12/2000 và tháng 01/2001, và được biên soạn theo nội dung cuốn sách của Marshall Michel: Mười một ngày Giáng sinh: Chiến dịch cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam, do nhà xuất bản Encounter Books phát hành.
HM Blog. Một lần nữa, xin cảm ơn anh Dove đã dịch gần 10 ngàn từ cho bài báo công phu này và cảm ơn bạn đọc đã đóng góp những comment quý báu về trận chiến 12 ngày đêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét