Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Quốc hữu hóa ngân hàng ?


Quốc hữu hóa ngân hàng ?

(DĐDN) Trong một bài viết đăng trên Doanh Nhân - ấn phẩm cuối tuần số mới nhất của DĐDN, chúng tôi đã trích dẫn ý kiến nên quốc hữu hóa các ngân hàng mất sạch vốn do nợ xấu mà TS Trần Du Lịch - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu ra. Tuy vậy đã có những ý kiến nhiều chiều gửi về Tòa soạn DĐDN xin quay trở lại vấn đề này.
 Tuy nhiên, mổ xẻ vấn đề này, lại thấy có rất nhiều… vấn đề khác nảy sinh.
Ngân hàng nào đang nằm trong nhóm có nợ xấu cao?
Theo ý kiến của TS Trần Du Lịch thì phương án hợp lý để giải quyết là phải quốc hữu hóa những ngân hàng có hệ số vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản dưới 8%, mà nợ xấu lên tới trên 10%, tức là đã mất hết vốn. Thử điểm danh một số các NH đang có nợ xấu cao và tính toán, so sánh với tổng tài sản, sẽ thấy như sau:

Nếu xét theo nhóm NH đang có nợ xấu cao nhất, thì trên thực tế nhóm NH Thương mại cổ phần quốc doanh lại đang là nhóm đứng đầu về nợ xấu. Theo báo cáo của bộ phận phân tích một CTCK có ngân hàng thương mại là “mẹ”, thì tính theo số liệu đến 31/3/2012, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm hơn ½ nợ xấu toàn hệ thống với tỉ trọng chiếm tới 50,5%. Nhóm thứ hai là khối thương mại cổ phần với 27,8%. Nhóm ngân hàng nước ngoài chiếm khá nhỏ (do sự hạn chế về quy mô) với 4,2%. Nhóm cuối cùng là các tổ chức tín dụng khác chiếm 17,5%.
Cũng theo phân vùng của báo cáo này căn cứ trên dữ liệu cập nhật đến 31/3/2012 cho thấy, nhóm G14 chiếm một phần rộng lớn của nợ xấu toàn hệ thống với tỉ trọng chiếm tới 62%; đáng chú ý là nhóm ngân hàng “có vấn đề” chiếm 10%; nhóm còn lại chiếm 28%.
Một báo cáo tiếp theo cũng về nợ xấu của các TCTD, do bộ phận phân tích CTCK Vietcombank VCBS thực hiện cũng cho thấy, nợ xấu trên tổng tài sản của một số NHTM quốc doanh và NHTM CP có quy mô tổng tài sản lớn đang ở mức cao. Cụ thể: Tại BIDV, nợ xấu/ tổng tài sản quý I/2012 chiếm 2,99%, VCB là 2,87%, CTG là 1,85%, EIB là 1,98%, MBB là 1,86%, ACB là 1,20% và STB là 0,80%. Căn cứ trên tỉ lệ này, VCBS nêu quan điểm nhấn mạnh: Do nhiều bất cập trong phân loại nợ cũng như chính sách phân loại của từng ngân hàng như đã phân tích trong những báo cáo trước đây, VCBS cho rằng con số đưa ra của cơ quan giám sát có độ chính xác cao hơn. Tỉ lệ nợ xấu 8,6% tại thời điểm cuối quý 1 cũng khá sát con số là gần 10% mà Thống đốc đưa ra hồi đầu tháng 6. Đối lập với tốc độ gia tăng nhanh chóng của nợ xấu, giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này vẫn chưa có tiến triển mới trong quý 2 sau khi NHNN đã tiến hành phân loại các ngân hàng và đưa vào diện giám sát đặc biệt một số  ngân hàng yếu kém trong quý 1. Phần lớn các  ngân hàng cho rằng việc thành lập Cty mua bán nợ (AMC) qui mô lớn là cần thiết do các Cty AMC của mỗi ngân hàng đều có qui mô tương đối nhỏ  và không thể mua bán các khoản nợ của chính ngân hàng mẹ.
Tuy nhiên, việc thành lập Cty AMC qui mô 100.000 tỉ đồng cũng mới chỉ  dừng lại  ở  mức nghiên cứu và đề án này chưa được báo cáo lên Thủ  tướng. Ngoài ra, có nhiều vấn đề  liên quan đến việc mua bán nợ  như  ai sẽ  mua lại nợ  xấu? Nguồn tiền cho hoạt động này là ở đâu? Giá, nhóm nợ và tiêu chí được mua bán? Có gây tác động tới lạm phát hay không? Mức độ mua từ các ngân hàng như thế nào?
Rõ ràng, là một sự quan ngại về tỉ lệ nợ xấu của hệ thống NH, mặc dù được nhấn mạnh tiếp sau đó là “các TCTD vẫn có thể tự xử lý được”, nhưng đang được phơi bày qua những câu hỏi xoay quanh việc làm thế nào để xử lý nợ xấu, nhất là một khi các NH có tỉ lệ nợ xấu cao nhất, đứng đầu bảng đang có các ngân hàng quốc doanh.
Nếu là các Ngân hàng Quốc doanh đang có tỉ lệ nợ xấu cao nhất, vậy, việc quốc hữu hóa các ngân hàng mất vốn do nợ khủng liệu có trở nên cần thiết?
Hợp tình hợp lý hay hợp kinh tế thị trường?
Dĩ nhiên, điều mà các chuyên gia nhấn mạnh ở đây khi đưa ra ý kiến nên xem xét thực hiện giải pháp quốc hữu hóa các ngân hàng, chắc chắn đối tượng sẽ là những TCTD có vấn đề, có nợ xấu trên 10% và đang tập trung khu biệt ở một số NHTMCP quy mô nhỏ. Không chỉ riêng TS Trần Du Lịch, ngay cả TS . Lê Xuân Nghĩa, thành viên tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng trong một số trường hợp cần thiết, việc thực hiện quốc hữu hóa ngân hàng cũng được coi là một giải pháp hợp lý.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thời gian qua, đã có nhiều ý kiến về xử lý nợ xấu và nhiều giải pháp đã được đưa ra như thành lập Cty mua bán nợ xấu, bán cổ phần cho đối tác… Hiện NHNN đang cùng lúc sử dụng nhiều giải pháp để thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, và “đó là một cách làm khôn ngoan của NHNN khi kịp thời can thiệp xử lý những ngân hàng có nguy cơ sụp đổ lớn nhất, đã thành công và đã loại bỏ được tác động xấu lan truyền của nó đến toàn hệ thống. "Một số ngân hàng khó khăn khác cũng được NHNN hỗ trợ thanh khoản, và tạo điều kiện cho việc mua lại hoặc sáp nhập theo nguyên tắc thị trường. Bằng cách này, việc xử lý các ngân hàng yếu đỡ tốn kém hơn, đồng thời cùng tận dụng được lực lượng thị trường để giải quyết”, ông Nghĩa nói.
Dù đồng ý với ý kiến nên sử dụng biện pháp quốc hữu hóa ngân hàng như một số nước đã làm để giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu, nhưng ông Nghĩa cũng cho rằng không cần thiết vì tiền còn dùng vào việc khác quan trọng hơn như xử lý nợ xấu. Nói như vậy, theo TS Lê Xuân Nghĩa, quốc hữu hóa ngân hàng có thể giải quyết nhanh vấn đề nợ xấu nhưng chưa hẳn đã xử lý được nợ xấu. Điều này hoàn toàn hợp lý bởi: Nếu NHTM có chủ sở hữu về tay nhà nước, thì như vậy có “hô biến” được nợ xấu hay không? Hay cục nợ xấu vẫn còn nằm nguyên ở đó?
Trao đổi riêng với DĐDN, một chuyên gia cho rằng việc quốc hữu hóa các NH bị mất sạch vốn do nợ khủng thực chất không mới. Trên thế giới các nước đã xử lý rất nhiều trường hợp tương tự. Điển hình là Anh, Đức và Thụy Điển. Đặc biệt tại Thụy Điển phương án “cứu”/ quốc hữu hóa một số ngân hàng trên bờ vực phá sản nhằm cứu rỗi hệ thống tài chính khỏi một cơn đổ vỡ domino đã được Chính phủ này thực thi một cách triệt để minh bạch với phương châm rất kiên quyết loại bỏ các cổ đông hiện hữu của các ngân hàng này, giữ vững nguyên tắc các chủ ngân hàng phải chịu lỗ và mất vốn trước khi Chính phủ rót tiền cứu trợ. Biện pháp mạnh tay này đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại khác nhanh chóng tăng vốn chủ sở hữu, giảm bớt rủi ro cho toàn bộ hệ thống. Riêng với trường hợp cụ thể hai ngân hàng bị quốc hữu hóa, Thụy Điển tách số tài sản xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản và giao cho hai Cty quản lý tài sản (AMC - asset management company) quản lý riêng. Hai AMC này hoạt động như một dạng quỹ đầu tư vốn (private equity fund), cấp vốn và quản lý những DN còn khả năng sinh lợi đồng thời lựa chọn thời điểm và khách hàng thích hợp để thanh lý những phần tài sản còn lại. Kế hoạch quốc hữu hóa ngân hàng này đã giải cứu hệ thống ngân hàng Thụy Điển thoát khỏi cơn suy thoái hệ thống năm 1992-1993.
Tại VN, cũng với chuyên gia này, cách đây 2 năm, ông đã có đề xuất trong một ý kiến trên DĐDN là NHNN nên tính đến phương án để các chủ ngân hàng phải chấp nhận lỗ, mất sạch vốn rời khỏi ngân hàng và NHNN cử người tiếp quản, đại diện vốn mới, vừa đảm bảo rót tiền trả nợ người dân đầy đủ vừa đảm bảo hệ thống không bị xáo trộn. “Tuy nhiên, quan sát tình hình thị trường tài chính VN trong 2 năm qua, có lẽ đến giờ tôi đã phải thay đổi ý kiến. Thứ nhất, với nợ xấu đang không ngừng tăng như hiện nay, thì để quốc hữu hóa các ngân hàng, nguồn lực cả tài chính để  tái cấp vốn và bảo đảm toàn bộ, bao gồm mà còn là cơ chế và thẩm quyển của những cá nhân và đơn vị trực tiếp tham gia vào quá trình quốc hữu hóa ngân hàng, phải rất khổng lồ. Thậm chí khổng lồ đến đâu chúng ta cũng chưa ước tính được hết khi mỗi cấp cơ quan quản lý lại có một con số nợ xấu riêng. Thứ hai, thực tiễn của quá trình tái cơ cấu hệ thống tín dụng đang bị chậm lại mà nguyên do theo tôi là lợi ích của nhóm tìm đặc lợi đang “ngáng chân”, cũng cho thấy nếu muốn quốc hữu hóa ngân hàng, không dễ, ông này nói.
Xem ra, nếu muốn quốc hữu hóa các NHTM có nợ xấu khủng và mất sạch vốn, có lẽ sẽ có cả “núi” vấn đề mà cơ quan quản lý sẽ phải đối mặt. Trong khi chờ xử lý được “núi” vấn đề đó, nợ xấu chắc chắn sẽ còn nhân lên.
 
TS Phạm Đỗ Chí - nguyên kinh tế gia cao cấp IMF:
Quốc hữu hóa các ngân hàng mất sạch vốn do nợ khủng là một ý kiến hay, cũng là một trường hợp đã có nhiều kinh nghiệm hay được thực thi từ các quốc gia khác. Nhưng khi ứng dụng vào VN, có một số vấn đề cần đặt ra. Trong đó, quan trọng nhất là tình trạng sở hữu chéo của hệ thống ngân hàng VN. Quốc hữu hóa ngân hàng này chắc chắn sẽ đụng chạm đến lợi ích, quyền lợi, nền móng và thượng tầng của những ngân hàng khác, những ngân hàng đang có cùng các ông chủ, các nhóm lợi ích là cổ đông sáng lập, cổ đông lớn. Như vậy liệu có quốc hữu hóa được không? Hơn nữa, câu hỏi đặt ra tiền đâu để xử lý nợ xấu? Mà có, lại xử lý như thế nào để không phải lấy tiền của dân cứu các ngân hàng?
Lê Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét