Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Phương pháp xóa đói giảm nghèo mới


Esther Duflo đã làm thay đổi triệt để ngành kinh tế học phát triển. Bà đã tìm ra giải pháp chống nghèo khổ với những thực nghiệm có kiểm chứng và được tiến hành tại chỗ.
 Esther Duflo hiện là giáo sư kinh tế học phát triển tại Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) và là một trong những chuyên gia kinh tế nữ có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Esther Duflo đã làm thay đổi triệt để ngành kinh tế học phát triển. Bà đã tìm ra giải pháp chống nghèo khổ với những thực nghiệm có kiểm chứng và được tiến hành tại chỗ.

Khi bà bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình thì môn kinh tế học phát triển mới chỉ là một bộ môn phụ của ngành kinh tế quốc dân. Nhờ nỗ lực của Duflo và đồng nghiệp Abhijit Banerjee, bộ môn này đã phát triển hết sức mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế học. Hai nhà nghiên cứu này đã tạo được bước đột phá, đưa ra một phương pháp nghiên cứu khoa học làm đảo lộn nghiên cứu về đói nghèo: thử nghiệm đối với nhóm đối chứng, như đã thực hiện từ lâu trong y học. Cũng như các thầy thuốc khảo nghiệm có hệ thống về công dụng của thuốc chữa bệnh mới, thì các nhà nghiên cứu kinh tế kiểm tra hiệu quả của chính sách kinh tế bằng cách thử nghiệm ngẫu nhiên (randomized trials). Năm 2003, bà cùng với Banerjee đã thành lập tổ chức Thực nghiệm hành động vì đói nghèo (PAL), hiện có 70 nhà kinh tế của 51 nước là thành viên.

Các nhà khoa học tại MIT đã thực hiện 345 thử nghiệm ngẫu nhiên. Hiện tại Duflo đang tập trung vào thử nghiệm chống bệnh thiếu máu: phương thuốc chống thiếu máu là dùng muối ăn có bổ sung chất sắt, phân chia chất này cho 400 làng ở Ấn độ –  muối có bổ sung sắt chia làm hai loại, loại không được trợ giá và loại có trợ giá được phân bố ngẫu nhiên.

Với phương pháp này, các nhà nghiên cứu đều thấy rằng, trong cuộc chiến chống đói nghèo, tín dụng nhỏ chỉ có thể giúp đỡ phần nào, và loại bếp tiết kiệm năng lượng phải hết sức giản tiện và dễ sử dụng thì người nghèo mới có thể áp dụng được. Họ đều nhất trí rằng Duflo đã cải thiện chất lượng các dự án viện trợ. Thí dụ, người ta đã phát hiện ra trị giun cho trẻ em ở châu Phi là biện pháp  hữu ích nhất để khuyến khích các em đến trường.

Duflo đoạn tuyệt với quan niệm cho rằng muốn xóa đói giảm nghèo phải có đủ tiền, vấn đề chính là phải sử dụng một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên hạn hẹp – và hiệu quả này thể hiện qua các thực nghiệm của Duflo. Bà còn áp dụng kết quả nghiên cứu kinh tế học hành vi, trong đó giải thích nguyên do vì sao con người không phải lúc nào cũng hành động duy lý. Mặt khác bà cũng không tán thành quan niệm của một số đồng nghiệp ở Đại học New York, những người này cho rằng viện trợ phát triển là vô bổ, vì nó làm cho người nghèo thiếu tinh thần tự chịu trách nhiệm.

Nhưng phương pháp mới này cũng đang  gây tranh cãi. Không ít nhà phê bình chỉ trích các nhà kinh tế thực nghiệm biến con người thành những con thỏ thí nghiệm, một số lại nghi ngờ tính thuyết phục của các con số thống kê ở  thí nghiệm, một số khác cảnh báo không nên khái quát hóa các kết quả thực nghiệm do có sự khác biệt về văn hóa, vì bối cảnh văn hóa ở Ấn độ có thể rất khác so với Kenya. Theo Duflo thì đây chính là lý do để đẩy mạnh nghiên cứu hơn nữa và khẳng định các mô hình lý thuyết và phương pháp truyền thống khác vẫn có tầm quan trọng của nó. Bà cũng cho rằng cần phải kiên nhẫn hành động, vì “đói nghèo đã đi cùng với nhân loại từ hàng nghìn năm nay”.

Năm 2011, tạp chí  Time-Magazine đã xếp Duflo vào danh sách 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Cuốn sách Poor Economics do bà và Banerjee viết chung đã được tờ Financial Times đánh giá là cuốn sách kinh tế đáng giá nhất trong năm 2011. Năm 2010, Hiệp hội Kinh tế Mỹ (American Economic Association) đã trao tặng bà huy chương John Bates Clark.

Xuân Hoài lược dịch theo Die Zeit.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét