Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Gian nan chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường


TS Nguyễn Sỹ Phương (CHLB Đức)

Bản đồ nước Đức với hai phần tách biệt:
Đông Đức màu nghệ và Tây Đức màu tím

Khác với Việt Nam, Trung Quốc, Nga và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ, chuyển đổi hoàn toàn tự lực, và không có đối chứng so sánh, khó định lượng được mức độ gian nan và trường kỳ của quá trình chuyển đổi, nền kinh tế Đông Đức được Tây Đức đổ bao nhân, tài, vật lực, công cụ luật pháp hỗ trợ, nhưng tới nay vẫn còn cần tiếp 50 năm nữa mới đuổi kịp đối chứng Tây Đức, vốn cả hai cùng xuất phát điểm năm 1945 hoàn toàn tương đương nhau về mọi mặt.

Để có sơ sở xây dựng đối sách chuyển đổi tối ưu, kể từ năm 1997, hàng năm, nhân ngày tái thống nhất 3/10, Chính phủ Đức đều đưa ra báo cáo tổng kết về thực trạng phát triển kinh tế Đức, phân tích đánh giá so sánh giữa hai miền, bao gồm cả quá trình lũy kế tính từ năm thống nhất lẫn năm hiện tại.

Kết quả báo cáo năm nay, công bố đầu tháng này cho thấy, sau 23 năm tái thống nhất nước Đức kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, kinh tế Đông Đức vẫn đình trệ, thậm chí tụt nhiều so với các tiểu bang Tây Đức. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người năm 2011 tại Đông Đức chỉ bằng 71% Tây Đức. Về tốc độ tăng trưởng, nếu loại bỏ yếu tố lạm phát 2,5%, thì các tiểu bang Đông Đức nằm dưới mức trung bình toàn Liên bang tới 3%. Sang nửa đầu năm nay, kinh tế Đông Đức tăng trưởng 0,5% trong khi kinh tế Tây Đức tăng tới 1,2%, tức trên gấp đôi. Thu nhập từng hộ gia đình tại Đông Đức thấp hơn 1/5 Tây Đức. Sức mua tại các tiểu bang Đông Đức thấp hơn mức trung bình toàn Liên bang 16%. Về lao động, số người có việc làm tại Đông Đức không ngừng tăng kể từ năm 2005, tới năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp xuống cực tiểu chỉ còn 11,3%, mức thấp nhất kể từ sau tái thống nhất, nhưng so với Tây Đức vẫn cao gấp đôi!

Sau 23 năm, GDP đầu người Đông Đức mới chỉ tương đương hơn 2/3 Tây Đức, mặc dù tổng cộng đã có khoảng từ 1 tới 2,5 nghìn tỷ Euro được đổ vào đây để giúp chuyển đổi nền kinh tế.
Hệ quả chênh lệch các chỉ số trên, dẫn tới thay đổi cơ cấu địa kinh tế. Trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2008, dân số Đông Đức giảm 11,7% do chuyển sang Tây Đức sinh sống, và xu hướng này dự báo còn giảm tiếp tục trong những năm tới.

Nếu biết rằng nước Đức đã phải đổ vào Đông Đức tổng cộng tới nay ước chừng từ 1 tới 2,5 nghìn tỷ Euro, mà sau 23 năm chỉ mới đưa được GDP đầu người Đông Đức lên tương đương hơn 2/3 Tây Đức, mới thấy cái giá vực dậy nền kinh tế quản lý tập trung, chuyển đổi nó sang nền kinh tế thị trường tốn kém khủng khiếp ở mức độ nào, đằng đẵng tới bao lâu.

Về tài chính, chỉ riêng người lao động, theo luật SolZG họ phải trích lương đóng khoản tiền tái kiến thiết Đông Đức được gọi là phí đoàn kết từ năm 1991 ở mức 7,5% thuế lương, và từ năm 1998 mới giảm xuống còn 5,5%. Tính ra, hàng năm, nhân dân cả nước Đức đã đóng góp tài chính cho Đông Đức thông qua Quỹ trên lên tới trên dưới 10 tỷ Euro ngang ngửa thu ngân sách Việt Nam, liên tục từ 23 năm qua. Quỹ thống nhất nước Đức FDE thành lập năm 1990 để đầu tư trang bị cho cơ quan nhà nước phía Đông từ 1990-1994 là 115 tỷ DM, sau đó được nâng lên 146,3 tỷ, và tháng 3/1993 nâng lên mức cuối cùng 160,7 tỷ. Tổng cộng 5 tiểu bang Đông Đức nhận từ Liên bang Đức mỗi năm 20,6 tỷ Euro. Quỹ thống nhất nước Đức lần 2 đổ tiếp vào Đông Đức, bắt đầu từ năm 2004, có giá trị tới 2019 với mức 156,5 tỷ Euro, trong đó có 105,3 tỷ Euro được dùng đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chỉ 9% người dân Đông Đức muốn trở lại thời Đông Đức, trong khi 11% dân Tây Đức muốn dựng lại tường thành chia đôi Berlin trước kia do họ không muốn chịu đựng hơn nữa gánh nặng Đông Đức – theo điều tra nới đây của Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội Berlin và Brandenburg
Trong khi ở Việt Nam, doanh nghiệp phải loay hoay học hỏi tìm kiếm thử nghiệm mô hình tập đoàn trên thế giới để mong “tạo ra những cú đấm thép“ cạnh tranh toàn cầu, và hệ quả chục năm sau vẫn phải tìm kiếm giải pháp tái cơ cấu lại nó, thì doanh nghiệp Đông Đức đã có sẵn mô hình áp dụng cùng hành lang pháp lý Tây Đức điều chỉnh, đó là một lợi thế độc nhất trên thế giới không một quốc gia nào chuyển đổi nền kinh tế từ quản lý tập trung sang thị trường có thể có được. Nghĩa là Đông Đức không chỉ được đầu tư nhân, tài, vật lực tối đa cho quá trình chuyển đổi, mà còn tránh được, không phải trả giá mầy mò cho quá trình đó, ấy thế mà con đường phấn đấu nhắm đích ngang ngửa trình độ phát triển Tây Đức còn phải trông đợi những 50 năm tới. Nền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc, Nga, và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ không có được cơ may như Đông Đức, liệu có đủ nỗ lực gấp bội họ nhiều lần để có thể đuổi kịp thế giới trong cùng quãng thời gian như họ? Nếu không, sẽ đằng đẵng tới bao giờ?

Thống nhất đất nước là khát vọng chung của mọi quốc gia chia cắt, nhưng cái giá phải trả dẫn tới sự nhìn nhận về nó không phải người nào cũng giống người nào. Kết qủa khảo cứu mang tên: “Điều tra xã hội học năm 2012, nước Đức thống nhất từ năm 1990-2012, chỗ đứng của công dân„ do Trung tâm Nghiên cứu khoa học xã hội Berlin và Brandenburg, Đức, tiến hành, công bố đầu tháng này, cho thấy: 37% công dân Tây Đức cho rằng mình bị thiệt thòi bởi thống nhất, trong khi phía Đông chỉ 24%. Ngược lại 42% công dân phía Đông coi thống nhất là thắng lợi vẻ vang, trong khi phía Tây chỉ 37%. Có hơn một nửa vừa không muốn quay trở lại nước Đức, nhưng cũng không coi cuộc sống hiện tại đã thực sự hạnh phúc, nghĩa là không thể bằng lòng với nó mà còn phải phấn đấu. Chỉ 9% người dân Đông Đức muốn trở lại thời Đông Đức, bởi số này đã quen thích nghi với nền kinh tế đó như máu thịt, trong khi 11% dân Tây Đức muốn dựng lại tường thành chia đôi Berlin trước kia do họ không muốn chịu đựng hơn nữa gánh nặng Đông Đức. Dù tư tưởng ngược lại khát vọng chung của dân tộc, nhưng họ cũng là nhân dân, đồng chủ nhân đất nước, được quyền bày tỏ chính kiến riêng mình và là một căn cứ không thể bất chấp khi nhà nước hoạch định chính sách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét